Công cụ hỗ trợ quyết định chính sách phát triển doanh nghiệp

(BĐT) - Thông tin từ Tổng cục Thống kế cho biết, theo kế hoạch, từ năm 2018, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của các địa phương vào dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Trên phạm vi cả nước hiện có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Ảnh: Lê Tiên
Trên phạm vi cả nước hiện có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Ảnh: Lê Tiên

Với Đề án Xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đây sẽ là bộ công cụ đánh giá thực trạng và mức độ phát triển DN của cả nước và địa phương, từ đó cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan quản lý trong chỉ đạo, điều hành và phát triển DN. 

Đo “sức khỏe” doanh nghiệp

Ông Lâm nhấn mạnh, sự phát triển của khu vực DN có vai trò quyết định đến quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo ông Lâm, những năm qua, đặc biệt từ năm 2000 khi Luật DN (thay thế Luật Công ty năm 1990 và Luật DN tư nhân năm 1990) có hiệu lực thi hành, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, DN nước ta đã phát triển nhanh, đóng góp cho tăng trưởng cao của toàn bộ nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2000 - 2015 số DN thực tế hoạt động tăng 17,6%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực DN tăng 9,5%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 29,1%/năm, doanh thu tăng 21,5%/năm, lợi nhuận tăng 18,3%/năm và đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng 17,9%/năm.

Năm 2017 là năm cả nước có số DN thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 126.859 DN, năm thứ 2 nước ta cán mốc có trên 100.000 DN được thành lập mới. Cùng với đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN Việt Nam đã có sự phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển này chưa xứng tầm với tiềm năng và điều kiện thuận lợi các DN được hưởng từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cơ cấu sản xuất theo ngành kinh tế, khu vực DN còn nhiều bất cập; sự phát triển DN giữa các địa phương, vùng, miền còn nhiều khác biệt, chưa khai thác đầy đủ tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các địa phương.

Đơn cử, năm 2017, số DN thành lập mới cả nước đạt kỷ lục, trong đó có 34/63 tỉnh có tốc độ tăng số DN thành lập mới cao so với năm 2016 như: Bến Tre tăng 272,6%; Thanh Hóa tăng 110,9%; Hà Giang tăng 55,4%... Mặc dù các địa phương này có tốc độ tăng số DN thành lập mới cao, nhưng số DN thành lập mới không nhiều. Tính chung, số DN quay trở lại hoạt động năm 2017 giảm so với năm 2016, số DN ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước trong năm 2017 cũng tăng gần 9% so với năm trước. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2018, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn có xu hướng tăng.

Số liệu của cơ quan thống kê cũng cho thấy, hiện tổng số DN thực tế đang hoạt động trên phạm vi cả nước là gần 600.000 DN. Để năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 35/NQ-CP, đòi hỏi ngành thống kê phải có thông tin đánh giá chính xác sự phát triển của khu vực DN để Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của DN.

Ông Lâm chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai năm (2016 và 2017), Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố một số chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa có sức lan tỏa sâu, rộng. Nguyên nhân chủ yếu là do bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của các địa phương được công bố trong hai năm qua còn hạn chế, chưa bao quát đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực hoạt động, chưa phản ánh đầy đủ kết quả, năng suất, chất lượng và hiệu quả phát triển DN của cả nước và từng điạ phương. Vì vậy, Đề án được thực hiện và áp dụng nhằm đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng, kết quả và hiệu quả phát triển DN thông qua “Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN” hàng năm nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các bộ, ngành và địa phương sử dụng trong chỉ đạo, điều hành để phát triển DN.

“Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN do Tổng cục Thống kê xây dựng tập trung đánh giá và phản ánh mức độ phát triển DN của cả nước và của từng địa phương; phản ánh kết quả và chất lượng sản xuất (kết quả đầu ra) của khu vực DN chia theo địa phương”, ông Lâm cho biết. 

Khách quan và khả thi

Từ năm 2018, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của các địa phương vào dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Đề án phải xây dựng bộ chỉ số đánh giá đầy đủ kết quả, hiệu quả và chất lượng phát triển của DN trên cả nước và từng địa phương; đồng thời đảm bảo tính khách quan và khả thi. Để từ bộ chỉ tiêu này, hàng năm Chính phủ, người dân và DN có thể đánh giá được địa phương nào đã có những giải pháp triển khai trong thực tiễn nhằm phát triển DN hiệu quả.

Theo ông Lâm, tại Đề án, các nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển DN hàng năm của cả nước và của từng địa phương (phân tổ theo ngành kinh tế, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) bao gồm 8 nhóm chỉ tiêu chính. Đó là: Mức độ phát triển về số lượng DN; mức độ phát triển về lao động; mức độ thu hút vốn đầu tư và tài chính; đầu tư và phát triển khoa học công nghệ; chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước; bảo vệ môi trường; kết quả, hiệu quả phát triển DN; và các chỉ têu khác bổ sung hàng năm phù hợp với sự phát triển của DN. Trong từng nhóm tiêu chí lớn có các chỉ tiêu thành phần để đánh giá mức độ phát triển DN.

Về lộ trình áp dụng, Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, từ năm 2018, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN của các địa phương vào dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Một số chỉ tiêu cụ thể trong các nhóm chỉ tiêu nêu trên sẽ được công bố từ năm 2020.

Để triển khai Đề án hiệu quả, tại Đề án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện việc chia sẻ, cung cấp các thông tin liên quan phục vụ biên soạn Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển DN hằng năm của từng địa phương và cả nước; tổ chức tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của Đề án và tình hình triển khai thực hiện Đề án…

Chuyên đề