Có thể kiểm soát CPI năm 2020 dưới 4%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm giữ mức tăng khiêm tốn, song vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu của cả năm nay.
CPI của Việt Nam bình quân năm 2020 so với năm 2019 có thể
tăng ở mức 3,6 - 4%. Ảnh: Phú An
CPI của Việt Nam bình quân năm 2020 so với năm 2019 có thể tăng ở mức 3,6 - 4%. Ảnh: Phú An

Từ nay đến cuối năm, sức ép lạm phát vẫn còn lớn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu kiểm soát ở mức dưới 4% là khả thi.

Diễn biến dịch còn phức tạp

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước. Đáng chú ý, CPI bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019, ghi nhận mức tăng cao nhất trong 6 năm qua và cho thấy việc kiềm chế lạm phát cả năm ở mức dưới 4% gặp không ít khó khăn.

Về diễn biến lạm phát từ nay đến cuối năm, PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, có một số yếu tố chính có thể đẩy CPI tăng. Đó là, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.

Tại Việt Nam, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, có 3 yếu tố chính trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI. Đó là, tình hình dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm 2020, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt, do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt.

Điều hành nhất quán, kịp thời

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Bá Minh, yếu tố tích cực là cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Về điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu. Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng giá điện, giảm giá nước sạch. Đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.

Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.

“Công tác chỉ đạo điều hành kịp thời, nhất quán là yếu tố cần thiết và hiệu quả giúp ổn định CPI. Do đó, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng ở mức 3,6 - 4%”, ông Nguyễn Bá Minh nhận định.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát năm 2020 vẫn còn phức tạp và khó khăn do diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó lường, tuy nhiên, sức cầu trong nước vẫn khá yếu và tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ ở mức 9 - 10% nên lạm phát 2020 vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó, ông Long cho rằng, cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng.

“Nhìn chung áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính. Mặt khác, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.”, ông Ngô Trí Long nói.

Chuyên đề