Ông Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank. |
Cổ phiếu tập đoàn SoftBank của Nhật Bản liên tục giảm mạnh trong 2 tuần trở lại đây, một phần do đợt giảm mạnh của cổ phiếu công nghệ toàn cầu, một phần do vụ mất tích của một nhà báo người Saudi Arabia.
Theo tin từ Bloomberg, cổ phiếu SoftBank sụt 7,3% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai tại thị trường Tokyo. Phiên giảm này nâng tổng mức sụt giảm giá trị vốn hóa của SoftBank kể từ mức đỉnh của năm thiết lập hồi cuối tháng 9 lên 22 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến ngày 29/8, cổ phiếu SoftBank tăng 29%, khi nhà đầu tư tin tưởng vào chiến lược của nhà sáng lập Masayoshi trong việc rót vốn vào những startup công nghệ hàng đầu như Uber, Didi Chuxing và WeWork.
Tuy vậy, trong vòng 2 tuần qua, SoftBank đã liên tiếp gặp trở ngại. Đầu tiên là cổ phiếu công nghệ toàn cầu ồ ạt mất giá trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Sự sụt giảm này đặt ra nguy cơ xói mòn giá trị các khoản đầu tư của SoftBank vào các công ty công nghệ.
Tiếp đó là vụ nhà báo Jamal Khashoggi biến mất sau khi thăm lãnh sự quán Saudi Arbia ở Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara cáo buộc Saudi Arabia đã sát hại ông Khashoggi - một nhà báo có quan điểm chỉ trích chính phủ Saudi Arabia.
Về phần mình, Saudi Arabia phủ nhận những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều đó không đủ để trấn an giới đầu tư cổ phiếu SoftBank. Saudi Arabia hiện là nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất vào quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD của SoftBank, và nước này đang đối mặt áp lực ngày càng lớn từ phía cộng đồng quốc tế về vụ mất tích của nhà báo Khashoggi.
Nhiều sếp doanh nghiệp, bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase, Chủ tịch Bill Ford của hãng xe Ford, CEO Dara Khosrowshahi của Uber, CEO Bob Bakish của hãng truyền thông Viacom… đã tuyên bố rút khỏi một hội nghị đầu tư ở Riyadh vào tuần tới, trong khi Mỹ đang cân nhắc có động thái đối với Saudi Arabia liên quan đến vụ nhà báo biến mất.
Hãng tin Bloomberg cũng tuyên bố không giữ vai trò đối tác truyền thông của hội nghị đầu tư này.
"Chúng tôi không cho rằng sự cố ngoại giao mới nhất này sẽ dẫn tới lệnh trừng phạt nhằm vào Saudi Arabia, nhưng luôn có khả năng một số công ty sẽ rút vốn khỏi Vision Fund", ông Amir Anvarzadeh, chiến lược gia cấp cao thuộc Asymmetric Advisors ở Singapore, nhận định.
Ông Son vốn có một mối quan hệ khá thân cận với thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Riyadh đã cam kết rót 45 tỷ USD vào Vision Fund, quỹ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Một khi quỹ Vision Fund thứ hai được mở ra, Saudi Arabia dự kiến cũng sẽ rót một lượng vốn tương tự.
Bên cạnh đó, SoftBank dự kiến đầu tư vào một dự án điện mặt trời trị giá 200 tỷ USD ở Saudi Arabia.