Cổ phiếu dậy sóng trên thị trường OTC

(BĐT) - Đã 9 giờ tối 23/11, trong quán café tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, một nhóm nhà đầu tư vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội giao dịch các cổ phiếu (CP) trên thị trường chưa niêm yết (OTC). 
Cổ phiếu của các công ty đại chúng có gốc gác nhà nước khiến thị trường OTC sôi động trở lại. Ảnh: Lê Tiên
Cổ phiếu của các công ty đại chúng có gốc gác nhà nước khiến thị trường OTC sôi động trở lại. Ảnh: Lê Tiên

Một loạt mã CP: Vietnam Airlines, Bia Sài Gòn, Đường Quãng Ngãi, Ô tô Trường Hải, Petrolimex… nằm trong tầm ngắm. Trong khi cơ hội mua đang ít dần do lượng hàng khan hiếm thì giá CP cũng từng bước leo thang.

Tăng giá ấn tượng

Theo các môi giới lớn tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, hàng loạt CP chưa niêm yết được nhà đầu tư lùng sục tìm mua.

Được đánh giá là khá “ì ạch”, CP Vietnam Airlines đã bứt phá trong 3 ngày gần đây lên mức xấp xỉ 40.000 đồng/CP. Cách đây gần 2 năm, 49 triệu cổ phần của doanh nghiệp (DN) này được đưa ra IPO với mức giá khởi điểm là 22.300 đồng/CP. Kết quả 100% lượng CP chào bán được mua hết, trong đó hai nhà đầu tư đặt mua hơn 48,3 triệu CP là Vietcombank và Techcombank. Đáng chú ý, CP này “nằm im”, rất ít có giao dịch trong năm 2015 và phần lớn thời gian của năm 2016. Tuy nhiên, sự kiện Tổng công ty CP Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lên giao dịch (ngày 21/11/2016) với giá 25.000 đồng/CP và sau đó tăng mạnh lên trên 40.000 đồng/CP đã tạo hiệu ứng cho CP ngành hàng không. Chỉ sau 1 năm, so với giá đấu bình quân trong phiên IPO diễn ra vào ngày 10/12/2015 là 14.344 đồng, CP của ACV hiện đã tăng tới 180%. Nhà đầu tư kỳ vọng một kịch bản tương tự sẽ diễn ra với CP Vietnam Airlines.

CP Vietnam Airlines tăng giá góp phần kích hoạt giá CP của Techcombank đang giao dịch trên thị trường OTC. Do nắm giữ lượng CP lớn của Vietnam Airlines, giới đầu tư kỳ vọng Techcombank sẽ hạch toán lợi nhuận khoản đầu tư này vào cuối năm 2016. Mặt khác, Techcombank cũng đang lên kế hoạch niêm yết trong tương lai gần góp phẩn đẩy giá CP này lên trên 20.000 đồng/CP. Diễn biến giá CP Techcombank được đánh giá là “hiện tượng” trong bối cảnh một loạt CP ngân hàng trên thị trường niêm yết chính thức như SHB, BID, CTG khá èo uột.

Một “ông lớn” DNNN khác được IPO vào tháng 6/2016 đến nay cũng đạt mức sinh lời đáng nể là Tổng công ty Dược Việt Nam. Tại thời điểm đấu giá, tổng số CP chào bán thành công là 42 triệu với mức giá trung bình 10.433 đồng/CP. Hiện CP này đang được giao dịch trong khoảng 18.000 - 20.000 đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhà đầu tư Lê Ngọc Hoàng cho rằng: “Đây là DN có quy mô lớn nhất ngành dược khi đầu tư vốn tại 4 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính dài hạn tại 8 công ty khác. Nhiều DN dược thành viên của Tổng công ty có năng lực tài chính mạnh, mạng lưới phân phối rộng khắp và nhà máy sản xuất thực hành tốt sản xuất thuốc với công nghệ hiện đại. Tôi nghĩ mức giá 18.000 - 20.000 đồng/CP, dù cao tương đối so với thời điểm IPO, vẫn phù hợp cho DN thuộc dạng đầu ngành”.

Một số CP khác đang được tìm mua và neo ở mức giá tương đối cao là Ô tô Trường Hải (xấp xỉ 90.000 đồng/CP), Đường Quảng Ngãi (82.000 đồng/CP), Petrolimex (30.000 đồng/CP). 

Chuộng cổ phiếu có… “gốc gác” nhà nước

Chỉ sau 1 năm, so với giá đấu bình quân trong phiên IPO diễn ra vào ngày 10/12/2015 là 14.344 đồng, CP của ACV hiện đã tăng tới 180%. Nhà đầu tư kỳ vọng một kịch bản tương tự sẽ diễn ra với CP Vietnam Airlines.
Từng chứng kiến nhiều cơn sóng trên thị trường OTC, ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư EPS cho biết, đợt sóng lần này tập trung vào CP của các DNNN thực hiện IPO.

“Một loạt CP gần đây tăng giá ấn tượng khi lên sàn như Bia Hà Nội, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Xây lắp điện 1… đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng tìm mua CP vốn dĩ là DNNN cổ phần hóa trên thị trường OTC và chờ thời điểm lên giao dịch tập trung sẽ chốt lời. Một số quy định mới của Nhà nước, trong đó có quy định buộc DNNN ngay sau khi IPO phải giao dịch trên UpCOM, đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Mặt khác, nền tảng DNNN cũng khiến nhà đầu tư yên tâm hơn sau một số vụ lùm xùm gần đây liên quan đến công ty đại chúng 100% vốn ngoài nhà nước” - ông Minh phân tích.

Việc thị trường OTC tăng giá trong khi thị trường giao dịch tập trung lại khá ảm đạm (chỉ sôi động ở các mã đầu cơ) khiến không ít người ngạc nhiên. “Mua CP OTC làm ăn bài bản thay vì mua CP niêm yết, nhà đầu tư muốn tìm đến sự mới mẻ. Điều quan trọng hơn là tỷ suất sinh lời của nhiều CP trên thị trường niêm yết khá thấp khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường OTC” - ông Nguyễn Quốc Cường, nhà đầu tư gạo cội nhận định.

Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm, với mục tiêu tiếp tục bán vốn tại các DNNN mà Nhà nước không cần nắm vốn chi phối, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường sẽ được thực thi, xu hướng giao dịch sôi động sẽ tiếp diễn trên thị trường OTC, đặc biệt là đối với các CP công ty đại chúng có “gốc gác” DNNN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư