Tại thị trường Việt Nam, có 30 doanh nghiệp fintech trong lĩnh vực trung gian thanh toán đang hoạt động. Ảnh: NC st |
Lo ngại kìm hãm sự phát triển
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” ngày 20/8/2019, ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, đa số các chính sách liên quan đến lĩnh vực fintech đều nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực này. Ông Tuấn dẫn chứng cụ thể về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán ở mức 30% hoặc 49% tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Lý giải quy định trên, theo ông Tuấn, NHNN hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán dự kiến ở mức 30% (tương đương lĩnh vực ngân hàng) nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng, tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư cho công nghệ, thị trường cho đến nhân lực. Do đó, việc giới hạn đầu tư nước ngoài ở dưới 50% thì sẽ rất khó có thể kêu gọi các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia fintech và kìm hãm sự phát triển của fintech.
Ngoài ra, cũng theo vị Phó Chủ tịch VAFI, Chính phủ đã cho phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài (chi nhánh) hoạt động và xem xét nới giới hạn cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại làm tiền lệ cho fintech.
Ông Tuấn cũng nêu lưu ý về các cam kết gần đây của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng, do đó, việc hạn chế đầu tư có thể dẫn đến nguy cơ bị kiện.
Có thể giữ tỷ lệ sở hữu nếu trót vượt ngưỡng
Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các trung gian thanh toán, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, toàn thị trường có 30 doanh nghiệp fintech trong lĩnh vực trung gian thanh toán đang hoạt động. Trong đó, có 5 doanh nghiệp chiếm thị phần 90% xét về cả giá trị và khối lượng giao dịch, đáng chú ý, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp này là từ 30% đến trên 90%.
Trong khi đó, theo ông Sơn, fintech nói chung và fintech trong trung gian thanh toán nói riêng là lĩnh vực hoạt động mới, thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy đã có một số điểm đáng quan tâm về an toàn thông tin cá nhân, an ninh tiền tệ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu thấu đáo, cặn kẽ để có quy định hợp lý với thị trường này.
“Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 đang nghiên cứu 2 mức là 30% hay 49% và chưa chốt cụ thể mức nào. Các ngưỡng về tỷ lệ sở hữu này đều phù hợp với các cam kết quốc tế về hội nhập của Việt Nam. Với các doanh nghiệp đã hoạt động và có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên các ngưỡng quy định này, ý kiến của Ban soạn thảo hiện nay là không hồi tố, tức là có thể vẫn giữ tỷ lệ như đã có”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Theo cam kết tại Chương 11 của CPTPP (tương tự Phụ lục 8-B-1 của EVFTA), Việt Nam sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ ngân hàng - tài chính:
- Nhận tiền gửi và các khoản tiền có thể thanh toán khác từ công chúng
- Tất cả các loại hình cho vay, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao thanh toán và tài trợ các giao dịch thương mại, cho thuê tài chính
- Tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm các loại thẻ tín dụng, thanh toán, ghi nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng
- Các dịch vụ thanh toán và bù trừ đối với các tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm phái sinh và các công cụ có thể chuyển nhượng khác
- Cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác
- Tư vấn, trung gian và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác đối với tất cả các hoạt động được liệt kê trong các điểm nêu trên, bao gồm tham khảo và phân tích tín dụng, nghiên cứu và tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư; tư vấn về các hoạt động mua lại và tái cơ cấu và chiến lược doanh nghiệp.