Cơ hội vàng nâng tầm Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Hạ tầng, nguồn nước ngọt, chống sạt lở bờ biển, bờ sông là 3 ưu tiên quan trọng trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra tại Cần Thơ.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với ý nghĩa là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT mong muốn xây dựng bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương, chuyên gia nhận diện rõ các cơ hội, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông.

Quy hoạch vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn và nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi thì việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc”, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ĐBSCL là vùng đất dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đó là xu hướng không thể chống lại mà cần dựa trên các kịch bản dự báo khác nhau về biến đổi khí hậu của vùng để lập quy hoạch mới và có hướng đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu theo khía cạnh “ít hối tiếc” và “không hối tiếc”. Có như vậy, ĐBSCL mới có thể đi tiếp những bước quan trọng trong quá trình phát triển.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái, môi trường cho biết, việc ưu tiên cho ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp, giảm lượng, tăng chất, tăng chế biến, tăng chuỗi giá trị, tiếp vận hậu cần tốt hơn, giao thông kết nối, thị trường tốt hơn; ưu tiên giải quyết sụt lún, giảm sử dụng nước ngầm, phục hồi sông ngòi. Ưu tiên giải pháp phi công trình hơn giải pháp “thành trì kiên cố”; công trình chỉ nên cỡ nhỏ, chỉ nên kiểm soát, không nên ngăn mặn… ĐBSCL đang ở ngã ba đường. Trong đó, con đường đang đi theo hướng nông nghiệp thâm canh không bền vững cần phải thay đổi, không thể tiếp tục đi theo hướng này mà phải rẽ sang con đường mới. “Bộ ba chính sách gồm Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593/QĐ-TTg về liên kết vùng là cơ hội vàng cho ĐBSCL. Trong đó, Nghị quyết số 120 nếu thực hiện đúng, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề mà ĐBSCL đang phải đối mặt”, ông Thiện khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho rằng, lâu nay sản xuất nông nghiệp của Vùng quá chú trọng an ninh lương thực mà giữ diện tích trồng lúa quá lớn, trong khi các ngành sản xuất khác rất cần đất đai để phát triển. Từ thực tế đó ông Được đề nghị chỉ giữ khoảng 2,8 triệu ha trồng lúa, phân cấp mạnh hơn thẩm quyền cho địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư theo quy hoạch được duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, để đạt tốc độ phát triển ngang bằng các vùng phát triển của cả nước vào năm 2050 mà ĐBSCL chỉ dựa vào nông nghiệp thì rất khó, cần phát triển kinh tế biển với lợi thế 750 km bờ biển, hơn 200 hòn đảo và 360.000 km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế. Đồng thời phát triển các khu vực kinh tế biên mậu.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Lâu cũng đề xuất cần khẩn trương đưa vào quy hoạch và hoàn thành các tuyến cao tốc liên vùng, kết nối cả nước. Đặc biệt là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường hàng lang ven biển phía Đông. Năng lực cảng biển, cảng sông của Vùng còn hạn chế, phải vận chuyển bằng đường bộ về TP.HCM chi phí rất cao nên việc đầu tư một cảng nước sâu tại vùng là cần thiết. Qua nghiên cứu cho thấy cảng Trần Đề tại Sóc Trăng có vị trí phù hợp nhất nên đề nghị đưa cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch.

Chuyên đề