Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn, trong đó ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa. Ảnh: Lê Tiên |
Hai mảng màu vận tải thủy
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng nguồn vốn ODA để hoàn thành đầu tư các cảng trọng điểm ở 3 miền, bao gồm: Cái Lân (Quảng Ninh); Tiên Sa (Đà Nẵng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hệ thống cảng biển đã cơ bản đảm bảo thông qua lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng miền trong nước bằng đường biển, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho hệ thống cảng biển tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ với sự tham gia của các hãng tàu lớn trên thế giới. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, giai đoạn 2010 - 2020, hàng loạt cảng liên doanh ra đời đã làm thay đổi bộ mặt hệ thống cảng biển Việt Nam, điển hình là các cảng trên khu vực sông Cái Mép - Thị Vải…
Vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đã đạt khoảng 7,88 tỷ USD. Trong số này bao gồm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn doanh nghiệp tự huy động. Đặc biệt, có những dự án tỷ lệ vốn góp của nước ngoài trong liên doanh đạt đến 80% (cảng VICT). Ngoài ra, hệ thống cảng biển chuyên dùng cũng thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đáng kể với việc hình thành cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn. Những cảng cụm công nghiệp này có thể kể đến Khu kinh tế Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất, Nghi Sơn…
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, chính sách, cơ chế để thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn xã hội trong lĩnh vực vận tải ngoài biển đã liên tục được ban hành, cập nhật mới. Tuy nhiên, dư địa của lĩnh vực này còn rất lớn và DN trong nước hoàn toàn có thể tham gia nhiều hơn.
Trong khi đó, vận tải thủy nội địa lại không hấp dẫn được nhiều DN. Ngay tại TP.HCM - địa phương có nhiều lợi thế để phát huy lĩnh vực này nhằm thúc đẩy du lịch, dù đã ban hành nhiều chương trình, kêu gọi, nhưng DN chưa mặn mà, một số đang dần tháo chạy khỏi vận tải thủy nội địa. Các DN lớn như Saigon Tourist, Trung Thủy, Thường Nhật… dù đã tham gia sớm và đổ vốn vào các dự án PPP vận tải thủy nhưng dường như đang “mắc cạn” bởi cơ chế, những thay đổi bất thường của quy hoạch bến đậu…
Bệ phóng cho lĩnh vực nhiều giá trị gia tăng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, dự án PPP chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực đường bộ. Cụ thể, có 211 dự án đường bộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 656.877 tỷ đồng, 3 dự án hàng không với tổng vốn đầu tư là 11.176 tỷ đồng, 3 dự án hàng hải với tổng vốn đầu tư là 1.340 tỷ đồng, 2 dự án đường thủy với tổng vốn đầu tư 1.428 tỷ đồng.
Qua số liệu trên có thể thấy, hơn 10 năm qua, lĩnh vực đường thủy thu hút quá ít DN tham gia với số lượng dự án khiêm tốn.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chi phí cho vận tải của DN tại Việt Nam là quá cao. Phần nhiều do hạ tầng cảng biển vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vận tải thủy chưa phát triển. Đây là một điểm yếu cốt tử dẫn tới khả năng cạnh tranh của Việt Nam bị suy giảm so với một số quốc gia lân cận.
Nhận ra thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong Chỉ thị số 37 là giao Bộ GTVT hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy. Kêu gọi đầu tư phát triển các cảng thủy nội địa khai thác hàng container có chức năng đầu mối tại khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây có thể xem là bệ phóng cần thiết để thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực vận tải thủy thời gian tới.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa. Đồng thời, khuyến khích các DN vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải để tối ưu hóa vận tải hai chiều, hàng container.
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Sớm triển khai nâng cấp các tuyến vận tải thủy huyết mạch như: tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), tuyến Cà Mau - Rạch Giá - Hà Tiên, sông Hàm Luông; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ…
Đồng thời, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, rà soát, ưu tiên quỹ đất, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa theo quy hoạch.