CPTPP mở ra cơ hội để các nhà thầu Việt buộc phải nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh và các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao tính minh bạch. Ảnh: Lê Gia Khoa |
Rộng cửa cho nhà thầu Việt vươn xa
Theo đánh giá, CPTPP là một hiệp định kinh tế tiêu chuẩn cao, giúp cắt giảm hàng rào thuế quan giữa 11 nền kinh tế thành viên (chiếm hơn 13% GDP toàn cầu). Đặc biệt, CPTPP có một chương quy định về mua sắm chính phủ (MSCP), mở ra một thị trường rộng lớn cho các nhà thầu Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nền kinh tế thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Chương MSCP của Hiệp định gồm 24 điều quy định về hoạt động MSCP của các nền kinh tế thành viên CPTPP. Theo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Luật Đấu thầu, Chương MSCP của CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, song ở mức độ cao hơn về tính công bằng, công khai minh bạch. Theo đó, Việt Nam sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu trong khối các nền kinh tế tham gia CPTPP (đấu thầu nội khối) hoặc đấu thầu quốc tế cho phép các nước CPTPP tham gia dự thầu. Nguyên tắc cơ bản nhất của Chương MSCP là đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Chủ đầu tư có nghĩa vụ đối xử với nhà thầu, hàng hóa của Việt Nam cũng như nhà thầu và hàng hóa của các nền kinh tế CPTPP một cách công bằng. Nguyên tắc thứ hai là không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra yêu cầu về chuyển giao công nghệ…
Theo quy định tại Chương MSCP của CPTPP, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam sẽ có thời gian chuyển đổi để thực hiện các nguyên tắc trên. Ngoài ra, Chương MSCP cũng khuyến khích đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, chống tham nhũng… Mỗi nền kinh tế thành viên sẽ có một biểu cam kết (bản chào) riêng. Bản chào này quyết định phạm vi mở cửa của từng nền kinh tế thành viên.
Nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam trong thị trường MSCP trong CPTPP, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, Hiệp định mở ra cơ hội tốt đối với các bên tham gia mua sắm. Đối với chủ đầu tư/bên mời thầu sẽ có thêm cơ hội lựa chọn để mua được hàng hóa với chất lượng tốt hơn và giá cả hợp lý. Cùng với đó, tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, thông thầu cũng được hạn chế hơn. Nhà thầu có cơ hội tham gia vào một thị trường mua sắm mới rộng lớn. Hơn nữa, với luật chơi công bằng sẽ khuyến khích các nhà thầu làm ăn chân chính.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho rằng, nếu trước đây chúng ta không chú ý lắm tới mua sắm công của các nước thì với CPTPP sẽ có thêm nhiều cơ hội để chúng ta tham gia thị trường mua sắm công ở nước ngoài. “Thị trường mua sắm công tại một số nước rất đáng kể. Ngoài mua sắm công về hàng hóa họ còn mua sắm công về dịch vụ. Đây là cái mới, ta mà có khả năng tiếp cận thì doanh nghiệp có được lợi ích thiết thực”, ông Thái nói.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì nhận định: “CPTPP sẽ là động lực tốt thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh”.
Làm gì để nắm cơ hội trong thị trường lớn?
Để nắm bắt được cơ hội từ thị trường mua sắm công trong CPTPP, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà thầu Việt Nam cần phải làm rất nhiều việc.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, những cam kết mở cửa thị trường theo quy định tại Chương MSCP của CPTPP là không quá sức với nhà thầu Việt. Nghĩa là, có thể ngay tại thời điểm này, Việt Nam chỉ có một số ít nhà thầu có cơ hội thắng thầu ở một số thị trường rộng lớn, nhưng trong tương lai, các nhà thầu của Việt Nam sẽ lớn mạnh thêm và cơ hội thắng thầu sẽ tăng lên. Để có thể thắng thầu được trong “sân chơi” này, các nhà thầu phải liên tục đổi mới để nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh và làm ăn nghiêm túc hơn.
Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập khuyến nghị, nhà thầu cần chủ động tìm hiểu cam kết, nắm bắt cơ hội thị trường cũng như có giải pháp đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường để nắm bắt cơ hội. Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam cần tận dụng được các động lực từ CPTPP để thúc đẩy cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi nhằm dễ dàng hiện thực hóa cơ hội được mở ra từ CPTPP.
Một số ý kiến khác cho rằng, tham gia CPTPP, các cơ quan quản lý nhà nước phải vượt qua chính mình để nâng cao tính minh bạch trong MSCP.