Cơ chế nào đối với vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP?

(BĐT) - Theo nhiều ý kiến, việc xây dựng một cơ chế rõ ràng, khả thi cao đối với phần tham gia của Nhà nước vào dự án PPP sẽ góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ, sự nhập cuộc thực sự tích cực của Chính phủ trong vai trò đối tác với khu vực tư nhân để thực hiện dự án PPP.
Việc hình thành quỹ hỗ trợ các dự án PPP sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Việc hình thành quỹ hỗ trợ các dự án PPP sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Qua đó, có thể giúp thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. 

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 diễn ra mới đây, ông Tony Foster - Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng cho rằng, một trong những quan ngại của nhà đầu tư là hiện không có cơ chế hỗ trợ rõ ràng của Chính phủ, không có một quỹ riêng để hỗ trợ các dự án kết cấu hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP. Vốn nhà nước hỗ trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng được coi là vốn đầu tư công theo Luật Đầu tư công, không có sự độc lập và rõ ràng về ngân sách cụ thể để hỗ trợ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Ông Tony Foster đề xuất, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án kết cấu hạ tầng với nguồn vốn được dành riêng để hỗ trợ các dự án quan trọng trong các lĩnh vực rủi ro cao.

Thông tin tại các hội thảo tham vấn xây dựng Dự thảo Luật PPP, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định hiện nay, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP vẫn chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Phần vốn đầu tư công trong dự án PPP cần phải được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy trình, thủ tục của pháp luật về đầu tư công. Điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong công tác bố trí vốn, bởi phần vốn đầu tư công trong dự án PPP thay đổi theo từng phương án tài chính, phân chia rủi ro và chỉ được xác định chính xác sau khi đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Điều này ảnh hưởng tới việc thu hút các nhà đầu tư do các nhà đầu tư chưa thấy được sự bảo đảm từ phía Chính phủ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước áp dụng cơ chế vốn nhà nước tham gia hỗ trợ dự án PPP. Canada có quỹ PPP do Bộ Tài chính quản lý, mức trần hỗ trợ là 25% chi phí xây dựng. Nhật Bản có quỹ với nguồn vốn từ cả khu vực công và khu vực tư với nhiệm vụ đầu ra là đầu tư mang tính dẫn dắt cho các dự án cụ thể. Hàn Quốc không hình thành quỹ nhưng có quy định Chính phủ Hàn Quốc giao các bộ chuyên ngành hướng dẫn mức trần phần vốn nhà nước đóng góp cho hỗ trợ trong giai đoạn xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng. Tùy lĩnh vực, phần vốn góp này có thể chiếm tối đa 30% (đường bộ, cảng), 50% (đường sắt) tổng chi phí đầu tư. Tại Hàn Quốc, thời gian đầu phần vốn Nhà nước cấp để hỗ trợ vốn xây dựng và thanh toán cho nhà đầu tư trong giai đoạn vận hành (cho loại hợp đồng BTL). Tuy nhiên, quy định về vốn thanh toán cho nhà đầu tư rất chặt chẽ nhằm giảm nợ tiềm ẩn của Chính phủ; tổng chi phí thanh toán cho nhà đầu tư phải được trình Quốc hội để phê duyệt.
Theo cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật PPP, xét tính đặc thù của dự án PPP so với dự án đầu tư công thuần túy, việc xây dựng một cơ chế sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP là cần thiết. 2 phương án đang được đưa ra lấy ý kiến. Phương án 1 là hình thành Quỹ phát triển dự án PPP với các chức năng bố trí vốn nhà nước và cấp bảo lãnh. Quỹ này có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, tiền nhà đầu tư hoàn trả khi ký kết hợp đồng thành công, tiền bán, nhượng quyền khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng, tiền bán tài sản công sau khi sắp xếp lại... Phương án 2 là hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Qua tham vấn các cơ quan liên quan, nhiều ý kiến đánh giá phương án 1 có ưu điểm là tính linh hoạt, chủ động trong quản lý và sử dụng; tính sẵn sàng trong cam kết của Chính phủ từ nguồn vốn góp đến cơ chế bảo lãnh, sẽ tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút các nhà đầu tư hơn. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng cơ chế quỹ lại đang bị vướng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đối với phương án 2, các ý kiến đề nghị Luật PPP cần có quy định riêng về cách thức lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (đối với nguồn vốn đầu tư công), kế hoạch tài chính - ngân sách (đối với nguồn vốn chi thường xuyên), thẩm định và phê duyệt nguồn vốn cho các dự án PPP.

Theo ông Tony Foster, các hình thức hỗ trợ mới của Chính phủ được đề xuất tại Dự thảo Luật PPP nhằm giải quyết nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính, nhưng sẽ khó khả thi nếu thực hiện theo các quy trình kiểm soát chặt chẽ và quy định hiện hành về việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công. Đại diện nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của VBF nêu quan điểm, các dự án PPP là dự án được triển khai và tài trợ bởi khu vực tư nhân, vốn nhà nước cho bất kỳ nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính nào trong dự án PPP phải là một khoản tài trợ cho lợi ích của các dự án PPP và các nhà đầu tư.

“Luật PPP cần có một chương hoặc một phần nêu các nguyên tắc tài trợ và sử dụng vốn nhà nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thủ tục theo Luật Đầu tư công phải được áp dụng cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân. Luật PPP không nên có tính ưu tiên áp dụng thấp hơn Luật Đầu tư công (sửa đổi)”, Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của VBF khuyến nghị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư