Quang cảnh Hội thảo quốc tế Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam. Ảnh: Việt Anh |
Thứ trưởng Thu cho biết, trước năm 2005 Việt Nam chưa có cơ chế về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Theo đòi hỏi của thực tiễn trong việc triển khai các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay nước ngoài và kiến nghị của các nhà tài trợ, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) thì năm 2005 lần đầu tiên cơ chế giải quyết nghị trong đấu thầu đã được nghiên cứu, xây dựng và đưa vào Luật Đấu thầu số 61 năm 2005.
Trải qua 8 năm thực hiện, đến năm 2013, Việt Nam đã ban hành Luật Đấu thầu số 43 thay thế Luật Đấu thầu năm 2005. Tại Luật Đấu thầu năm 2013, ngoài quy định về cơ chế giải quyết kiến nghị, Luật cũng đã bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp trong đấu thầu tại tòa án. Cụ thể, Luật đã bổ sung quy định quyết tranh chấp trong đấu thầu tại tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. “Việc dân sự hóa khi giải quyết tranh chấp trong đấu thầu là một bước tiến lớn của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập. Đặc biệt, quy định về giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu tại Luật Đấu thầu năm 2013 đã khắc phục được những hạn chế trong Luật Đấu thầu năm 2005, từng bước tạo được niềm tin để các nhà thầu khi thấy được quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi kiến nghị hợp lý”, Thứ trưởng Thu nhấn mạnh.
Dù khẳng định bước tiến lớn trong việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, song Thứ trưởng Thu vẫn cho rằng, thực tiễn công tác đấu thầu tại Việt Nam đang và sẽ đặt ra ngày càng phong phú khi đất nước hội nhập sâu vào kinh tế khu vực, thế giới trong đó có lĩnh vực mua sắm công. Trong bối cảnh đó, cơ chế giải quyết kiến nghị hiện tại của Việt Nam cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà thầu và đòi hòi phải đổi mới để phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế, đảm bảo một sân chơi công bằng, minh bạch cho các nhà thầu.
Thứ trưởng Thu cho rằng, Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và thế giới chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế giải quyết cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, đặc biệt là mô hình hành chính độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Đây cũng là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách lắng nghe ý kiến đánh giá và nhìn nhận thực trạng việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam thời gian qua, từ đó điều chỉnh chính sách về kiến nghị phù hợp hơn với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế.
Đề cập về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh, việc sử dụng hiệu quả đồng tiền ngân sách không chỉ là chuyện của riêng Việt Nam mà còn là chuyện của cả thế giới. Để tối đa hóa hiệu quả kinh tế đạt được từ hoạt động đấu thầu, Luật Đấu thầu của Việt Nam đã có những quy định về cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ngày càng hoàn thiện nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Một trong những cơ chế để thực hiện các mục tiêu trên là cơ chế kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu.
Đánh giá về cơ chế giải quyết kiến nghị trong Luật Đấu thầu của Việt Nam, ông Tăng nhận xét, về tổng thể, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có những bước tiến bộ đáng kể, nhưng qua thực tiễn vận hành cần tiếp tục cập nhật, nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh hoặc còn tồn tại để tiếp tục hoàn thiện nhằm đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất theo tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, từ năm 2016 đến 25/4/2017, cả nước có hàng trăm vụ việc liên quan đến vi phạm, khuất tất trong quá trình lựa chọn nhà thầu được phản ánh qua đường dây nóng của Báo. Trong số này, có 21 vụ liên quan đến việc không minh bạch trong việc lập hồ sơ mời thầu; 60 vụ liên quan đến việc gây khó dễ cho nhà thầu tiếp cận HSMT; 18 vụ về kết quả lựa chọn nhà thầu không hợp lý; 3 vụ phản ánh việc đấu thầu hình thức, thi công trước rồi tổ chức đấu thấu sau; 6 trường hợp trì hoãn công bố kết quả lựa chọn nhà thầu…