Cơ chế đã mở, TP.HCM làm gì để không thiếu thuốc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) cục bộ tại một số bệnh viện vào một số thời điểm ở TP.HCM thời gian qua bộc lộ rõ sự bất cập trong phân tuyến cơ sở y tế cũng như tính bị động của ngành sản xuất, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Cơ chế đấu thầu thuốc đã mở, cần nhiều giải pháp quyết liệt, dài hơi nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Sở Y tế TP.HCM đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc. Ảnh: Nhã Chi
Sở Y tế TP.HCM đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc. Ảnh: Nhã Chi

Thiếu thuốc cục bộ không liên quan đến quy định đấu thầu

Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và lãnh đạo các bệnh viện tại TP.HCM mới đây, TS. Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức cho biết, hiện thể chế liên quan đấu thầu thuốc đã mở và đầy đủ. Việc thiếu thuốc thời gian qua, đặc biệt là thuốc độc quyền chủ yếu do nhà thầu không tham gia đấu thầu, hoặc trúng thầu nhưng cung ứng thuốc nhỏ giọt do nguồn cung đứt gãy. Có thể kể đến thiếu thuốc gây tê tủy, sản phụ sinh phải gây mê, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Đối với VTYT, một số vật tư liên quan răng hàm mặt, thẩm mỹ tạo hình không có nhà thầu trúng thầu, khi mời thầu lại cũng không có nhà thầu tham dự.

PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số bệnh viện phần lớn do hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu dẫn tới quá tải cho tuyến trên.

Theo TS. Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thời gian qua, nhiều nhà thầu sau khi trúng thầu, ký kết hợp đồng đã bị chấm dứt hợp đồng do đứt gãy nguồn cung, cung ứng nhỏ giọt, không kịp tiến độ giao hàng. Điều này làm cho Bệnh viện bị động trong việc đáp ứng nhu cầu người bệnh.

Chia sẻ thực trạng trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thống kê cho thấy số lượt khám chữa bệnh tại TP.HCM tăng mỗi năm từ 6 - 8%, thậm chí có năm tăng 10%. Việc quá tải các bệnh viện tuyến cuối rất phổ biến. Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã ban hành nhưng đội ngũ cơ sở chưa hiểu và nắm bắt hết, nhiều trường hợp lúng túng cần Sở Y tế hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu mua sắm thuốc, VTYT. “Việc xảy ra thiếu thuốc cục bộ không liên quan đến quy định đấu thầu, mà phần lớn do đứt gãy nguồn cung, nhu cầu tăng đột biến”, đại diện Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Hỗ trợ giải quyết vướng mắc, tăng tính chủ động

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay, về cơ bản, TP.HCM vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.

Bên cạnh đó, Sở Y tế thường xuyên theo dõi và kịp thời điều phối thuốc, VTYT giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Sở Y tế đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc như Tổ hỗ trợ công tác cung ứng thuốc tại các đơn vị, Tổ bảo hiểm y tế, Tổ công tác triển khai các quy định về đấu thầu thuốc. Các tổ công tác này đã hỗ trợ tích cực giúp đơn vị giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc.

“Tại một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu hụt thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng... Ngoài ra, có nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, nhất là thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt do thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành; thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất; thuốc có giá thành rất cao trong khi có nhu cầu sử dụng rất thấp và nguy cơ hủy thuốc cao sau mua sắm nếu không có ca bệnh sử dụng nên các cơ sở y tế không mua dự trữ...”, Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Để tránh tình trạng khan hiếm thuốc cục bộ, ngành y tế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền và tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Đồng thời, để tăng tính chủ động cho Thành phố trong công tác cung ứng thuốc, ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2024/NĐ-CP về việc thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM. Đối với lĩnh vực dược, Thành phố có thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Việc phân cấp này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổng hợp nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh và chuẩn bị hồ sơ của cơ sở nhập khẩu.

Về lâu dài, TP.HCM đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến Khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ được đưa vào hoạt động từ sau năm 2031. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động.

Chuyên đề