Chuyên gia nêu 5 lý do Tổng thống Trump nên đến Việt Nam dự APEC

Chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nên tới Việt Nam để dự hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm nay trong bối cảnh chính sách về châu Á của chính quyền mới đang được định hình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Sau những dấu hiệu ngừng chính sách xoay trục sang châu Á của tân chính quyền Mỹ, hiện chưa rõ, Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định tham dự Hội nghị APEC tại Việt Nam và Hội nghị Đông Á (EAS) ở Philippines vào tháng 11 tới hay không.

Theo chuyên gia phân tích Prashanth Parameswaran trên trang Diplomat, 3 tổng thống Mỹ gần đây nhất đã bỏ lỡ gần như hầu hết các hội nghị ở châu Á vì nhiều lý do khác nhau từ vấn đề chính trị trong nước cho đến cuộc khủng hoảng ở các khu vực khác. Về cơ bản, việc một tổng thống Mỹ có tham dự hội nghị châu Á hay không không thể hiện cam kết cho mức độ can dự trong chính sách ngoại giao. Tổng thống Mỹ vẫn có thể cử đại diện tham dự nếu cần thiết.

Tuy nhiên, chuyên gia Parameswaran nhận định, năm nay - năm đầu tiên nhận nhiệm sở của ông Trump - là một thời điểm hoàn toàn khác và ông Trump nên tận dụng cơ hội này để giải tỏa những lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á, cũng như bắt đầu định hình hướng tiếp cận. Diplomat đã đưa ra 5 lý do cho lập luận này.

Thứ nhất, việc ông Trump tham dự hội nghị ở Việt Nam và Philippines sẽ làm giảm những bất định hay hoài nghi về cam kết của Mỹ với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Sự tham gia của Mỹ bắt đầu với các quan chức trong chính phủ, nhưng tính chất phi truyền thống của chính quyền hiện nay khiến châu Á chưa thể chắc chắn về ý nghĩa các chuyến thăm của từng quan chức Mỹ. Điều đó khiến một chuyến đi của ông Trump đến Hội nghị cấp cao APEC hay EAS càng có ý nghĩa hơn.

Thứ hai, ông Trump có thể phát đi một tín hiệu rõ ràng về việc chính quyền của ông sẽ coi các cơ chế đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương như thế nào. Ngay cả khi chính quyền dưới thời Tổng thống George W. Bush bị đánh giá là theo đuổi cơ chế “song phương” hay dưới thời Tổng thống Barack Obama là “đa phương”, song thực tế tất cả các tổng thống thường có cách tự cân bằng giữa các cơ chế này.

Ví dụ Tổng thống Bush dù tham gia các hội nghị châu Á rất có chọn lọc, nhưng cuối cùng đã góp phần liên kết các hiệp định thương mại song phương, mở đường cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Trump mặc dù tuyên bố rút khỏi TPP nhưng ông cũng cho thấy những dấu hiệu tiết chế quan điểm này.

Thứ ba, ông Trump hoàn toàn có thể tính toán chiến lược thương mại và đầu tư tại châu Á. Việc ông Trump quyết định từ bỏ TPP có thể coi là một đòn giáng mạnh vào kinh tế và chiến lược của Mỹ bởi nó có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc. Theo chuyên gia Parameswaran, để lấp khoảng trống sau khi "quay lưng" với TPP, chính quyền của ông Trump có thể hướng tới các hiệp định thương mại song phương với các nước trong TPP, trong đó Việt Nam được coi là một lựa chọn thích hợp.

Thứ tư, nhân cơ hội này, chính quyền của ông Trump có thể thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Philippines - hai quốc gia có vai trò quan trọng trong chiến lược can dự an ninh của Mỹ ở khu vực.

Thứ năm, ông Trump có thể bắt đầu giải quyết các bất định xung quanh việc chính quyền của ông sẽ cân bằng thế nào giữa lợi ích trong chính sách với châu Á, và chuyến thăm Việt Nam, Philippines có thể là phép thử cho điều này.

Chuyên đề