Công ty Vipico đã tham gia đấu giá và trúng thầu lô đất A20, mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, phường An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng với giá 652 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào ngày 16/11 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã hủy Quyết định số 4105/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đấu giá này. Theo đó, UNBD TP Đà Nẵng không giao đất cho đơn vị trúng đấu giá và tịch thu số tiền đặt cọc của Vipico.
Quyết định này không đồng thuận với ý kiến tham vấn từ phía Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường hay chính các cơ quan ở Đà Nẵng như Sở Tài nguyên và môi trường, sở Tài chính, HĐND thành phố.
Luật sư: UBND TP Đà Nẵng làm sai luật
Một trong những khu đất mà người dân đấu giá trúng ở Đà Nẵng nhưng cũng bị hủy kết quả đấu giá như trường hợp của Vipico.
“Nghe qua thì tưởng rằng diễn giải có cơ sở nhưng thực ra lại không có cơ sở. DN có đồng ý đâu mà là thỏa thuận được. Những lý do UBND TP Đà Nẵng đưa ra toàn là ý kiến 1 chiều cả. Không có được thỏa thuận giữa các bên và trong trường hợp này là sự đồng thuận của Vipico thì không có căn cứ hủy kết quả đấu giá, vẫn phải giữ nguyên kết quả đấu giá”, ông Hải cho biết.
Đáng nói, dù cùng là chậm nộp tiền sử dụng đất nhưng trường hợp Công ty TNHH Ân Điển thì Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 864/UBND-STNMT ngày 2/2/2018 rằng được nộp tiền phạt chậm nộp còn trường hợp của Công ty Vipico cũng như nhiều hộ dân khác thì bị hủy kết quả đấu giá và tịch thu tiền cọc.
Trả lời phỏng vấn của Dân trí về vấn đề này, luật sư Hải cho biết: “Việc hủy kết quả đấu giá là hành động đơn phương của UBND TP Đà Nẵng thôi còn Vipico hay những hộ dân kia đâu có đồng ý, cũng không tham gia vào thỏa thuận. Điều này đã là sai luật rồi cho nên không cần xét đến trường hợp của công ty Ân Điển để so sánh”.
UBND TP Đà Nẵng cố tình đưa DN vào thế rủi ro tài chính
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng trường hợp này chính là "trên trải thảm, dưới trải đinh".
Cụ thể, ông Truyền giải thích, Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ về chế tài áp dụng đối với những trường hợp cá nhân tổ chức khi chậm nộp vào ngân sách nhà nước. Trong đó, khi DN, người dân không nộp đúng theo thời hạn mà cơ quan quản lý thuế đưa ra trong thông báo thì sẽ phải chịu mức chế tài là chịu phạt.
“Và ở đây, theo tôi biết thì Vipico đã nộp cả phần tiền phạt đó. Tức là Vipico đã chịu một chế tài là chế tài nộp phạt trên 5 tỷ đồng. Vậy thì không có lý do gì để Vipico chịu một chế tài nữa là huỷ kết quả đấu giá. Một hành vi chỉ được xử lý một lần”, ông Truyền khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, cơ sở viện dẫn do UBND Đà Nẵng đưa ra đó là dựa vào kết quả của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải hủy kết quả đấu giá đất nhưng trong vụ việc này, ý kiến của Kiểm toán lại dựa trên Quyết định 01/2015/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng, nhưng quyết định này không còn phù hợp với luật đấu giá nữa. Đặc biệt, quyết định này đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
“Tôi cho rằng trường hợp này chính là “trên trải thảm, dưới trải đinh”. Ở đây sự thiếu sự minh bạch, không rõ thông tin của UBND TP Đà Nẵng đã làm cho DN nhầm tưởng rằng họ đã đề nghị và đã được UBND Đà Nẵng xem xét gửi công văn lên xin ý kiến của Bộ Tài Chính”, luật sư Truyền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong thời gian DN chờ đợi, UBND TP Đà Nẵng có vẻ như đang cố tình đưa DN vào thế dở khóc dở cười, thực hiện cũng dở mà không thực hiện cũng thành sai. Tức là đằng nào DN cũng rất dễ bị rủi ro về mặt tài chính cũng như lợi ích của mình.
“Việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thôi cũng đã là một trong những vi phạm rồi, đằng này lại gần như ép doanh nghiệp vào tình trạng phá sản. Tôi đang chưa hiểu rõ UBND TP Đà Nẵng huỷ kết quả đấu giá này vì mục đích gì khi các bộ, ngành chuyên môn đã có hướng dẫn khuyến nghị đầy đủ, cụ thể về trường hợp này là đủ cơ sở để tiếp tục cấp giấy chứng nhận và cho phép nhà đầu tư được quyền triển khai dự án của mình”, ông Truyền nói thêm.