Chương trình mục tiêu quốc gia: Đề nghị thu hồi vốn nếu chưa phân bổ chi tiết

(BĐT) - Mặc dù được giao dự toán ngay từ đầu năm nhưng việc triển khai thực hiện, thanh toán và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trong 6 tháng đầu năm 2019 trên cả nước rất chậm, có địa phương chưa triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của từng chương trình. 
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước nửa đầu năm 2019 ước đạt 23%. Ảnh: Lê Tiên
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên cả nước nửa đầu năm 2019 ước đạt 23%. Ảnh: Lê Tiên

Cần có giải pháp mạnh để chữa “căn bệnh” trì trệ trong giao kế hoạch vốn, chậm giải ngân tại các chương trình có ý nghĩa an sinh xã hội này.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG ước tính đến hết 30/6/2019 chỉ đạt 23% và không đồng đều trên cả nước. Chỉ có 6 địa phương có mức giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân vốn đầu tư công của cả nước (39%), 47 địa phương có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung, cá biệt 5 địa phương có tỷ lệ 0% và 6 địa phương có tỷ lệ dưới 10%.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương và kết quả làm việc của các đoàn công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Bộ KH&ĐT nêu bật một số nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn CTMTQG.

Trước hết là một số địa phương còn tâm lý chủ quan về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm. Quy định hiện nay cho phép địa phương chủ động thực hiện thủ tục kéo dài vốn đầu tư công sang năm sau và gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 31/3 hàng năm. Các tháng đầu năm 2019, địa phương tập trung giải ngân vốn kéo dài của kế hoạch năm 2018 sang năm 2019.

Nhiều địa phương không thực hiện quy định về phân cấp thực hiện CTMTQG trên địa bàn cấp xã (các CTMTQG nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững). Theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG, UBND cấp tỉnh quy định về phân cấp thực hiện và hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện CTMTQG trên địa bàn cấp xã. Tuy nhiên, thực tế, tại nhiều địa phương, hàng năm HĐND cấp tỉnh vẫn thông qua kế hoạch vốn đầu tư từng dự án, công trình của từng xã, dẫn tới chậm giao kế hoạch vốn năm 2019. Một số địa phương chưa chuẩn bị kịp kế hoạch chi tiết vốn CTMTQG năm 2019 trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2018 nên phải tổ chức họp bất thường hoặc chờ tới kỳ họp đầu năm 2019 mới báo cáo HĐND tỉnh thông qua.

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, công tác phân bổ, giao dự toán thực hiện các CTMTQG ở nhiều địa phương chậm so với quy định. Nhiều địa phương đến 31/5/2019 mới giao hết số vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới kế hoạch năm 2019 đến từng dự án, thậm chí 2 địa phương chưa thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến cơ quan thực hiện.

Ngoài ra, đa số công trình thuộc CTMTQG thường có quy mô đầu tư nhỏ nên không giải ngân từng phần mà dồn vào cuối năm. Một số địa phương áp dụng hỗ trợ sau đầu tư nên việc nghiệm thu để giải ngân hỗ trợ chỉ thực hiện sau khi công trình hoàn thành (không giải ngân theo hạng mục). Do đó, tiến độ giải ngân đầu năm đạt thấp.

Trong một báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tháng này, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp mạnh để thúc giải ngân nguồn vốn đầu tư công nói chung, vốn CTMTQG nói riêng. Trong đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ giao đến từng dự án, đặc biệt là vốn CTMTQG nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc các địa phương. Trường hợp đến 30/7 địa phương nào chưa phân bổ chi tiết vốn đầu tư năm 2019 cho từng dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thu hồi về ngân sách trung ương đối với số vốn chưa phân bổ chi tiết, trừ số vốn giao để thực hiện các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo từ nguồn dự phòng 10% vốn dự phòng CTMTQG nông thôn mới.

Cuối tuần qua, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo các CTMTQG, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh yêu cầu phải quyết liệt giải quyết những tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn các CTMTQG. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề giải ngân chậm của 2 CTMTQG gây cản trở ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn. Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới 2 chương trình này.

Chuyên đề