Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (1/12), sau khi Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC) Mỹ xác nhận ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này. Giá dầu thô cũng sụt giảm, nối tiếp đà lao dốc trong tháng 11 vừa qua.
Dù có lúc tăng tới 520 điểm trong phiên, chỉ số Dow Jones chốt với mức giảm 461,88 điểm, tương đương giảm 1,34%, còn 34.022,04 điểm.
Chỉ số S&P 500 tụt 1,2%, còn 4.513,04 điểm, đánh dấu lần đầu tiên giảm dưới ngưỡng trung bình 50 ngày kể từ hôm 13/10.
Chỉ số Nasdaa trượt 1,8%, còn 15.254,05 điểm, cho dù có lúc tăng 1,8% trước đó.
Phiên này tiếp tục chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của các chỉ số. Thị trường đã chao đảo trong 4 phiên giao dịch vừa qua, kể từ khi biến chủng Omicron được phát hiện ở Nam Phi.
Sắc xanh đã phủ khắp các bảng điện tử vào đầu phiên, nhưng màu đỏ trở lại ngay sau khi CDC Mỹ công bố nước này đã có ca mắc Omicron đầu tiên ở Califronia. Đến nay, biến chủng này đã được tìm thấy ở ít nhất 23 quốc gia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mức giảm mạnh nhất trong phiên này thuộc về các cổ phiếu liên quan đến đi lại. American Airlines giảm gần 8%. Delta Airlines sụt 7,3% và United Airlines trượt 7,5%. Cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing giảm 4,8%.
Hai hãng tàu du lịch Norwegian Cruise Line Holdings và Carnival giảm tương ứng 8,8% và 7%. Cổ phiếu công ty quản lý khu nghỉ dưỡng Wynn Resorts giảm 6,1%, cổ phiếu chuỗi khách sạn Hilton Worldwide đóng cửa với mức sụt 3,8%.
Các cổ phiếu bán lẻ cũng không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường. Nordstrom giảm 5,3%; Kohl giảm 5,6%; Best Buy và Macy’s giảm tương ứng 4,3% và 4,6%.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ, vốn là những cổ phiếu nhạy cảm với biến động kinh tế, tụt 2,3%.
“Thị trường đã hoang mang với câu hỏi là bao giờ thì biến chủng Omicron xuất hiện ở Mỹ. Và cuối cùng nó đã đến”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của National Securities phát biểu. Tuy nhiên, ông Hogan nói ông chưa lo ngại nhiều về ảnh hưởng của biến chủng này đến thị trường chứng khoán Mỹ.
“Tôi cho rằng chúng ta đang ở một vị thế để hiểu rằng ảnh hưởng của những làn sóng lây nhiễm mới và của những biến chủng mới sẽ giảm dần theo thời gian”, ông Hogan nhấn mạnh.
Ngoài dịch bệnh, giới đầu tư ở Phố Wall còn đang phải đương đầu với một mối lo khác đối với tăng trưởng kinh tế. Đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu đẩy nhanh tiến trình rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến thị trường lo lắng khi tuyên bố sẽ bàn về việc tăng tốc cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp vào tháng 12. Phát biểu đó của ông Powell đã khiến Dow Jones mất 650 điểm trong phiên giao dịch cùng ngày.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên gần 1,5% trong phiên ngày thứ Tư, nhưng sau đó giảm trở lại còn 1,41%. Giới đầu tư tiếp tục mua mạnh trái phiếu để phòng ngừa rủi ro, nên lợi suất giảm cho dù thị trường đang tính đến khả năng Fed có thể sớm tăng lãi suất trong năm 2022.
Qua ba phiên đầu tuần, Dow Jones đã giảm 2,5%; S&P 500 mất gần 1,8%; và Nasdaq trượt 1,5%.
Trong tháng 11 vừa qua, Dow Jones giảm 3,7%, đánh dấu tháng giảm thứ hai trong vòng 3 tháng trở lại đây. S&P 500 giảm 0,8% và Nasdaq tăng 0,25%. Chỉ số Dow Jones mất 4,3% trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm, Dow Jones hiện tăng 11,1%; S&P 500 tăng khoảng 20,2%; và Nasdaq tăng khoảng 18,4%.
Tương tự như diễn biến trên thị trường chứng khoán, giá dầu thô đã tăng mạnh vào đầu phiên ngày thứ Tư, sau đó quay đầu giảm khi có tin về ca mắc Omicron đầu tiên ở Mỹ.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ giảm 0,61 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 65,57 USD/thùng, dù trong phiên có lúc tăng 4%. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,36 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 68,87 USD/thùng.
“Khi nghe tin về biến chủng mới đã đến Mỹ, mọi người cứ bán cái đã rồi tính sau”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital LLC ở New York nhận định. Ông Kilduff cho rằng đà tăng của giá dầu sẽ được thiết lập trở lại chừng nào giá dầu WTI đóng cửa ở mức trên 70 USD/thùng.
Giá dầu thời gian gần đây chịu nhiều áp lực giảm, từ những yếu tố như biến chủng Omicron và việc Mỹ cùng một số quốc gia khác đi đến quyết định xả dự trữ dầu. Đối mặt với tình thế thay đổi, các nhà đầu cơ dầu giá lên từ đầu năm đến nay đang chuyển hướng. Tuy nhiên, các nhà môi giới nói rằng sự bán tháo diễn ra quá nhanh, quá mạnh.
“Cộng đồng đầu cơ đang chi phối diễn biến giá dầu”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau ở Mizuho, ông Robert Yawger phát biểu.
Trong tháng 11, giá cả hai loại dầu cùng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, trong đó giá dầu Brent giảm 16% và giá dầu WTI giảm 21%.
Sự xuất hiện của biến chủng mới làm phức tạp thêm quy trình ra quyết định sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+. Cuộc họp sản lượng của nhóm này sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (5/12). Câu hỏi nhà đầu tư đang đặt ra lúc này là liệu OPEC+ sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng; tăng sản lượng ít hơn; giảm sản lượng; hay dừng việc tăng sản lượng?