Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ số liệu việc làm tốt, giá dầu tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/9)...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/9), nhờ số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Báo cáo khả quan này cũng đẩy giá dầu tăng mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, đạt 4.536,95 điểm. Đây là lần thứ 54 trong năm nay S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục.

Chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, chốt ở 35.443,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,1%, đạt 15.331,18 điểm.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 28/8, nước này có 340.000 người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, so với dự báo 345.000. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Dữ liệu trên được đưa ra chỉ một ngày trước bản báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (4/9). Báo cáo việc làm tháng 8 sẽ là căn cứ để thị trường xác định Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ như thế nào. Các chuyên gia kinh tế dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 720.000 công việc trong tháng 8, giảm từ mức 943.000 công việc mới trong tháng 7.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm số liệu về thị trường việc làm trước khi Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản. Bởi vậy, bản báo cáo việc làm tháng 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thị trường.

Tháng 9 hàng năm thường là tháng “đuối” nhất của chứng khoán Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia đang giữ quan điểm lạc quan rằng đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục nhờ nền kinh tế vẫn đang mở cửa trở lại và các yếu tố kỹ thuật đang thuận lợi.

“Đà tăng liên tục và mức độ biến động thấp đang diễn ra, với các yếu tố như biên độ, khối lượng giao dịch và các chỉ số niềm tin đều tích cực. Chúng tôi dự báo đà tăng sẽ duy trì và những đỉnh cao mới sẽ được thiết lập”, một báo cáo của Credit Suisse nhận định.

Số liệu tốt về thị trường lao động Mỹ cũng đưa giá dầu thô tăng mạnh. Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 73,03 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI tăng 1,4 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 69,99 USD/thùng.

Giá dầu còn được hỗ trợ bởi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ Tư cho biết lượng tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước giảm 7,2 triệu thùng.

Trong một dấu hiệu lạc quan khác về nhu cầu tiêu thụ dầu, OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022. Hôm thứ Tư, nhóm này nhất trí tiếp tục nâng sản lượng khai thác dầu từ tháng 10-12 năm nay thêm 400.000 thùng/ngày.

Tại Ấn Độ, nhu cầu tiêu thụ xăng được dự báo sẽ lập kỷ lục trong năm tài khoá này vì người dân có thể đi lại nhiều hơn sau khi các hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.

Chuyên đề