Chứng khoán Mỹ lại giảm điểm mạnh, giá dầu lên đỉnh cao mới, Bitcoin đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/1), với chỉ số Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ vì nỗi lo lãi suất tăng...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Trong khi đó, giá dầu lập đỉnh mới của hơn 7 năm do mối lo cung không đủ cầu. Giá Bitcoin duy trì xu hướng biến động yếu gần đây, giảm nhẹ dưới ngưỡng 42.000 USD.

Lúc đóng cửa, Nasdaq trượt 1,15%, còn 14.340,26 điểm. Với mức giảm này, Nasdaq tụt về mức thấp hơn 10,7% so với mức kỷ lục gần nhất thiết lập vào tháng 11/2021. Theo định nghĩa thị trường điều chỉnh, một tài sản rơi vào trạng thái này khi giá giảm từ 10% trở lên so với đỉnh gần nhất.

Chỉ số Dow Jones giảm 339,82 điểm, còn 35.028,65 điểm, dưới sức ép từ cú giảm 3,1% của cổ phiếu Caterpillar. Chỉ số S&P 500 sụt gần 1%, còn 4.532,76 điểm.

Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ mất 1,6%, đóng cửa ở mức thấp nhất 52 tuần.

Lợi suất trái phiếu leo thang đã gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu ở Phố Wall từ đầu năm đến nay, khi nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1,9%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, từ mức 1,5% vào thời điểm đầu năm nay.

Chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh vào tháng 11 - Nguồn: CNBC.

Chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh vào tháng 11 - Nguồn: CNBC.

Việc Nasdaq trượt dài khỏi mức đỉnh thiết lập vào tháng 11 chủ yếu do cổ phiếu tăng trưởng bị bán tháo. Cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là các công nghệ, đã được mua ồ ạt trong đại dịch. Đến hiện tại, cổ phiếu Peloton đã giảm 80% từ đỉnh, Zoom Video giảm hơn 70%. Các cổ phiếu Moderna, DocuSign và Paypal đều giảm hơn 40% mỗi cổ phiếu kể từ đỉnh.

Nasdaq chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng khi lãi suất tăng, vì lãi suất cao hơn khiến lợi nhuận tương lai của các công ty công nghệ trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các công ty công nghệ cũng phụ thuộc vào lãi suất thấp để vay vốn đầu tư cho sáng tạo.

Hiện tại, S&P 500 mới giảm khoảng 5% so với kỷ lục.

“Nhà đầu tư đang lo ngại rằng lãi suất tăng lên và các điều kiện tài chính thắt lại sẽ dẫn tới áp lực lên định giá cổ phiếu, đảo ngược xu hướng tăng đã kéo dài cả thập kỷ dựa trên chính sách lỏng lẻo của Fed”, nhà quản lý quỹ Jack Ablin của Cressset Capital phát biểu.

Thị trường đi xuống dù đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Bank of America đạt doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo, nhưng giá cổ phiếu chỉ tăng 0,4%, sau khi giảm 3,4% trong phiên trước đó. Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn khác đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.

Trong số 44 công ty thuộc S&P 6500 đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 tính đến thời điểm này, gần 73% vượt dự báo của giới phân tích – theo dữ liệu từ FactSet.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,06%, đạt 88,44 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 13/10/2014. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,53 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 86,96 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu Brent tăng 1,2% và giá dầu WTI tăng 1,9% trong phiên ngày thứ Ba.

Dầu tăng giá phiên này sau khi một đường ống dẫn dầu từ Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động vì một vụ nổ. Nguyên nhân của vụ nổ hiện chưa được xác định.

Gián đoạn này diễn ra trong bối cảnh giới phân tích dự báo về tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu trong năm 2022 do nhu cầu tăng mạnh hơn kỳ vọng, bất chấp sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron. Nhiều chuyên gia đã nhận định giá dầu có thể tái lập mốc 100 USD/thùng trong năm nay.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga với Ukraine và giữa Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với phong trào Houthi do Iran hậu thuẫn cũng làm gia tăng sức ép tăng giá dầu. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, trong khi UAE là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).

OPEC+, liên minh giữa OPEC với Nga và một số nước khác, lại đang gặp khó khăn trong việc thực thi kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.

“OPEC+ không thực hiện được đúng sản lượng khai thác dầu, và nếu căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu Brent sẽ không cần nhiều cố gắng để đạt 100 USD/thùng”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.

Theo nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank, tiêu thụ xăng hàng không đang tăng lên khi các chuyến bay quốc tế được nối lại, và giao thông đường bộ trên toàn cầu cũng đang cao hơn nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái.

“Sản lượng dầu tăng chậm của OPEC+, cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục tăng lên, có thể sẽ hỗ trợ mạnh cho giá dầu trong những tháng sắp tới”, ông Dhar nhận định.

Thị trường tiền số tiếp tục xu hướng tương đối ổn định từ cuối năm ngoái, với biên độ dao động hẹp hơn so với thường thấy. Lúc gần 8h sáng nay (20/1), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 41.804 USD, giảm hơn 1% so với cách đó 24 tiếng.

Chuyên đề