Chứng khoán Mỹ hồi mạnh, giá dầu nhảy 4%, Bitcoin gượng tăng

0:00 / 0:00
0:00
“Thị trường không thể giảm mãi được. Ngay cả trong những đợt điều chỉnh và có nguy cơ xuất hiện tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống, vẫn có những đợt tăng mang tính giải toả"...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu (13/5), hồi lại một phần mất mát trong những phiên trước đó của tuần và giúp cho chỉ số S&P 500 tránh rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Giá dầu tăng mạnh khi giá xăng ở Mỹ lập kỷ lục mới, giá Bitcoin cũng hồi phục.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 466,36 điểm, tương đương tăng 1,47%, chốt ở 32.196,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,39%, chốt ở 4.023,89 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,82%, đạt 11.805 điểm.

Đây là phiên tăng mạnh nhất của S&P 500 kể từ hôm 4/5 và của Nasdaq kể từ tháng 11/2020.

Tuy nhiên, cả 3 chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này. Trong đó, Dow Jones giảm 2,14%, đánh dấu chuỗi 7 tuần giảm đầu tiên kể từ năm 2001. S&P 500 giảm 2,4% và có chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ 2011. Nasdaq giảm 2,8% trong tuần.

“Thị trường không thể giảm mãi được. Ngay cả trong những đợt điều chỉnh và có nguy cơ xuất hiện tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống, vẫn có những đợt tăng mang tính giải toả. Đó là điều đã diễn ra trên thị trường ngày hôm nay”, chiến lược gia Sam Stovall của CFRA phát biểu.

Tất cả các nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng tăng trong phiên ngày thứ Sáu, dẫn đầu là các nhóm tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ, với mức tăng tương ứng 4,1% và 3,4%. Sự hồi phục trên diện rộng còn thể hiện ở việc khoảng 95% số cổ phiếu trong S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh.

Bị bán tháo dữ dội trong những phiên trước, cổ phiếu công nghệ là một trong những lực lượng dẫn đầu sự hồi phục trong phiên này. Meta và Alphabet tăng tương ứng 3,9% và 2,8%. Tesla tăng 5,7%, trong khi Nvidia và AMD tăng hơn 9% mỗi cổ phiếu. Apple tăng 3,2%, thoát khỏi trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống.

Cổ phiếu Twitter giảm 9,7% sau khi Elon Musk tuyên bố tạm ngừng kế hoạch thâu tóm công ty mạng xã hội này vì muốn chờ chi tiết cụ thể về tỷ lệ tài khoản giả mạo. Trong phiên ngoài giờ trước đó, Twitter có lúc giảm 20%.

Chứng khoán Mỹ đã giảm liên tiếp trong những tháng gần đây, khi giới đầu tư lo ngại về lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong môi trường lãi suất tăng. Bán tháo đã lan rộng từ cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu của những doanh nghiệp có dòng tiền mạnh. Sự sụt giảm đó đã xoá sạch phần lớn thành quả tăng mà thị trường có được kể từ mức đáy do Covid-19 gây ra.

Đến hiện tại, S&P 500 và Dow Jones đều tránh được trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, nhưng phiên hồi phục này không có nghĩa là mọi sóng gió đã qua – theo ông Ryan Detrick của LPL Financial. “Chúng tôi cho rằng rủi ro giảm không còn quá lớn, nhưng thị trường vẫn có thể giảm thêm”, ông Detrick nhận định, và nói thêm rằng các thời kỳ thị trường đầu cơ giá xuống thường có mức giảm bình quân từ 23-25% so với đỉnh trong trường hợp không xảy ra suy thoái kinh tế.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 4,1 USD/thùng, tương đương tăng 3,8%, chốt ở 111,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 4,36 USD/thùng, tương đương tăng 4,1%, chốt ở 110,49 USD/thùng.

Ngoài mức giá xăng kỷ lục ở Mỹ, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi khả năng Trung Quốc sắp nới bớt các hạn chế chống Covid và mối lo của nhà đầu tư về sự thắt chặt nguồn cung nếu Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu Nga.

Trên đây là mức giá đóng cửa cao nhất của giá dầu WTI kể từ hôm 25/3. Tuần này là tuần tăng thứ ba liên tiếp của giá dầu WTI. Tuy nhiên, giá dầu Brent có tuần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần.

Giá xăng ở Mỹ lập kỷ lục mọi thời đại mới sau khi lượng tồn kho xăng của nước này giảm tuần thứ 6 liên tiếp trong tuần trước – theo dữ liệu được Bộ Năng lượng Mỹ công bố tuần này.

Số liệu từ AAA cho thấy giá xăng bán lẻ bình quân ở Mỹ đã đạt kỷ lục 4,43 USD/gallon vào ngày thứ Sáu. Giá dầu diesel cũng đạt 5,56 USD/gallon, mức cao chưa từng thấy.

Giá dầu tuần này tiếp tục xu hướng biến động mạnh của thời gian gần đây, khi thị trường cùng lúc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trái chiều. Chẳng hạn, nỗi lo EU cấm vận dầu Nga đẩy giá dầu lên, nhưng làn sóng Covid-19 ở Trung Quốc lại kéo giá dầu xuống. Ngoài ra, xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD cũng đặt ra áp lực giảm giá không nhỏ lên giá dầu.

“Nếu lệnh cấm vận dầu Nga của EU được thực thi đầy đủ, thì nguồn cung dầu từ Nga sẽ hụt đi 3 triệu thùng/ngày. Các dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ đảo lộn, gây nên sự hoảng loạn trên thị trường và biến động giá cực mạnh”, nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy phát biểu.

Nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục cam kết hỗ trợ nền kinh tế và thành phố Thượng Hải dự kiến sẽ bắt đầu nới phong toả trong tháng 5 này.

“Giá dầu hồi phục vì lạc quan rằng tình hình Covid ở Trung Quốc sẽ không xấu đi. Thị trường chứng khoán hồi phục cũng có tác dụng hỗ trợ giá dầu”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận xét.

Trên thị trường tiền ảo, giá nhiều đồng tiền số đã chuyển sang trạng thái “xanh” sau những phiên “đỏ lửa” liên tiếp trong tuần, một lần nữa cho thấy xu hướng biến động cùng chiều với thị trường chứng khoán.

Giá Bitcoin hồi phục nhưng chưa thể lấy lại mốc 30.000 USD. Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đứng ở 29.705 USD, tăng hơn 1% so với cách đó 24 tiếng – theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.

Chuyên đề