Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Năm và kết thúc phiên trong trạng thái giảm điểm, khi các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang và giá dầu đi lên.
Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Donald Trump nói rằng Trung Quốc "đã trở nên rất ‘hư’ trong thương mại". Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Mỹ đặt ra những hồ nghi về nỗ lực của ông trong việc tránh một cuộc chiến tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an vào thời điểm bắt đầu vòng đàm phán cấp cao Mỹ-Trung về thương mại.
"Tôi cho rằng đống lộn xộn thương mại chắc chắn đang ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường", ông Jim Bell, Giám đốc đầu tư của Bell Investment Advisors, nhận định.
"Điều này đang trở nên rất thật, các doanh nghiệp Mỹ đang bị ảnh hưởng", ông Bell nói. "Vấn đề về thuế quan là thuế quan luôn xấu, luôn làm gia tăng chi phí của tất cả mọi thứ đối với người tiêu dùng, và làm mất nhiều việc làm hơn là tạo ra việc làm".
Ngoài ra, bất ổn ở khu vực Trung Đông đang đặt ra khả năng suy giảm nguồn cung dầu, đẩy giá dầu thế giới lên mức cao nhất 3 năm rưỡi. Phiên này, nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 tăng 1,3%, trở thành nhóm tăng mạnh nhất.
Các cổ phiếu nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên với kết quả tốt hơn so với các cổ phiếu lớn. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ đóng cửa ở mức cao kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp, trong khi các công ty lớn hơn với sự hiện diện lớn hơn ở thị trường nước ngoài cùng lúc chịu áp lực của giá dầu tăng và đồng USD mạnh lên.
"Các công ty nhỏ không chịu tác động nhiều của các vấn đề thương mại quốc tế", ông Bell nói.
Các báo cáo kinh tế gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1973, trong khi các nhà sản xuất tăng giá bán sản phẩm. Các điều kiện trên thị trường lao động thắt chặt và lạm phát vững lên đều củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành tăng lãi suất trong tháng 6.
Với triển vọng tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm ở mức 3,1131%, gần mức cao nhất trong 7 năm. Lợi suất tăng gây sức ép lên những nhóm cổ phiếu ngành nhạy cảm với lãi suất, khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu trái phiếu có đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với cổ phiếu - loại tài sản vốn có độ rủi ro lớn hơn. Điều này khiến cổ phiếu các nhóm viễn thông, bất động sản và dịch vụ điện nước đồng loạt giảm phiên này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,22%, còn 24.713,98 điểm. Chỉ số S&P giảm 0,09%, còn 2.720,13 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,21%, còn 7,382,47 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, các cổ phiếu "phòng thủ" (defensive stocks -loại cổ phiếu cung cấp cho nhà đầu tư cổ tức liên tục và thu nhập ổn định cho dù tình hình chung trên thị trường chứng khoán như thế nào đi chăng nữa) có mức giảm tệ nhất trong phiên này.
Cisco Systems trở thành cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất lên S&P 500 và Nasdaq, khi giảm 3,8% bất chấp lợi nhuận vượt dự báo. Nguyên nhân khiến cổ phiếu Cisco giảm là một báo cáo của Citigroup nói rằng giới đầu tư đang quan niệm công ty công nghệ này đang mất thị phần.
Nhóm cổ phiếu công nghệ của S&P 500 giảm 0,5%.
Cổ phiếu Walmart giảm 1,9%, sau khi hãng bán lẻ này nói tỷ suất lợi nhuận vẫn chịu sức ép giảm do việc giảm giá bán hàng và chi phí vẫn chuyển gia tăng, cho dù doanh thu và lợi nhuận quý 1/2018 của hãng tăng nhiều hơn dự báo.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,15 lần số cổ phiếu giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ ệ tương ứng là 1,52%. Tuy vậy, chứng khoán Mỹ vẫn có một phiên giảm điểm.
Có tổng cộng 6,37 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall "sang tay" trong phiên này, so với mức bình quân 6,65 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.