Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ chuyển từ giảm sang tăng vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi dữ liệu bán lẻ khả quan giúp xoa dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng.
Phố Wall đã giằng co giữa trạng thái giảm và tăng trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch do phản ứng của nhà đầu tư giữa một bên là báo cáo tiêu dùng tốt hơn dự báo, và một bên là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm.
Chỉ số công nghệ Nasdaq có thêm một phiên giảm điểm do cú sụt của cổ phiếu Cisco Systems.
"Thị trường vẫn đang tiêu hóa thông tin về sự đi xuống của lợi suất và tình trạng đảo ngược của đường cong lợi suất từ ngày hôm qua", Giám đốc đầu tư Darrell Cronk thuộc Wells Fargo Wealth and Investment Management nhận xét. "Khối lượng giao dịch của phiên này giảm xuống, nên thị trường khó có sự biến động mạnh theo một chiều".
"Đế chế" bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu vượt dự báo, đồng thời nâng triển vọng lợi nhuận cả năm. Nhờ đó, thị trường bớt lo ngại về sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng, đưa giá cổ phiếu Walmart chốt phiên với mức tăng 6,1%.
Hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư phiên này còn có dữ liệu bán lẻ Mỹ tháng 7 tốt hơn dự báo của giới phân tích. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tiêu dùng tư nhân - lĩnh vực chiếm 70% nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng khá mạnh trong tháng trước.
"Một điều quan trọng khiến thị trường hài lòng ngày hôm nay là số liệu kinh tế tốt lên của Mỹ", ông Cronk nói thêm. "Dữ liệu này giúp giảm bớt một số nỗi sợ của ngày hôm qua".
Tuy nhiên, các thống kê kinh tế khác của Mỹ kém khả quan hơn. Sản lượng của ngành sản xuất giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7, và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự báo.
Ngoài ra, "khẩu chiến" tiếp tục khiến thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng. Trung Quốc thề sẽ đáp trả kế hoạch của Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong tháng 9 và kêu gọi Mỹ đi đến một thỏa thuận cân bằng. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump vẫn đòi một thỏa thuận phải được đưa ra "theo điều kiện của chúng tôi".
Thương chiến kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhiều tháng nay và bắt đầu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty hàng đầu.
Thuế quan sắp áp của Mỹ đã gây áp lực lớn lên Cisco Systems. Cổ phiếu công ty công nghệ này giảm 8,6% trong phiên ngày thứ Năm, sau khi công ty công bố doanh thu tại thị trường Trung Quốc giảm 25% trong quý 2, đồng thời đưa ra dự báo doanh thu cả năm thấp hơn dự báo của giới phân tích.
Căng thẳng thương mại tiếp tục thúc đẩy giới đầu tư mua trái phiếu kho bạc Mỹ để phòng ngừa rủi ro. Vì vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm xuống mức chưa từng thấy trong lịch sử, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng chạm đáy 3 năm.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,39%, đạt 25.579,39 điểm. S&P 500 tăng 0,25%, đạt 2.847,6 điểm. Nasdaq tăng 0,09%, đạt 7.766,62 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 6 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng, với mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm tiêu dùng thiết yếu.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,08 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,37 lần.
Có tổng cộng 7,72 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên này, so với mức 7,53 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.