Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters/CNBC. |
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu công nghệ, khép lại tuần giao dịch đầy biến động. Tuy nhiên, quý 1/2018 đã trở thành quý giảm điểm tồi tệ nhất hơn 2 năm của cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones.
Theo hãng tin Reuters, Phố Wall đã tăng điểm rực rỡ trong những phiên giao dịch đầu năm, nhưng xu hướng này không kéo dài lâu. Thị trường nhanh chóng đảo chiều và bước vào trạng thái điều chỉnh dưới tác động của một loạt thông tin bất lợi, bao gồm nỗi lo lãi suất tăng nhanh, mâu thuẫn về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Trong phiên giao dịch ngày 29/3, sắc xanh đã trở lại với nhóm cổ phiếu công nghệ sau những phiên "đỏ lửa" liên tiếp trước đó. Nhóm công nghệ thuộc S&P 500 chốt phiên với mức tăng 2,2%, sau khi có lúc tăng tới 3,2% trong phiên. Nhờ đó, S&P 500 có được mức tăng 1,4% trong phiên này.
"Vào thời điểm này, có như tất cả các mối lo đã bị thổi phồng thái quá. Lãi suất, nỗi lo về thuế quan, chiến tranh thương mại", ông Doug Cote, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc Voya Investment Management ở New York, phát biểu. "Nhưng giờ đây, những ‘cái đầu lạnh’ đang thắng thế. Cơ hội mua vào đang lớn".
Những cổ phiếu công nghệ tăng điểm mạnh nhất phiên này có Facebook, Intel, Alphabet và Microsoft.
"Cổ phiếu công nghệ luôn dẫn đầu thị trường giá lên. Mà chúng ta vẫn đang ở trong một thị trường giá lên", ông Cote nói.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 1,07%, đạt 24.103,11 điểm. S&P 500 tăng 1,38%, đạt 2.640,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,64%, đạt 7.063,45 điểm.
Phiên này, các nhà đầu tư không hề cảm thấy lo ngại về lãi suất dù thống kê cho thấy tiêu dùng ở Mỹ tăng nhẹ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 45 năm. Thời gian qua, những thông tin kinh tế tốt thường khiến thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) - một thước đo lạm phát được FED ưa chuộng - tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này đã ở dưới mức mục tiêu 2% mà FED đề ra suốt từ giữa năm 2012.
Cổ phiếu Amazon tăng 1,1% khi đóng cửa. Trước đó, cổ phiếu này có lúc giảm 4,6% trong phiên giao dịch, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên mạng xã hội Twitter chỉ trích Amazon, nói rằng công ty này "đóng rất ít hoặc hầu như không đóng thuế cho địa phương và liên bang".
Cổ phiếu Facebook tăng 4,4%, sau khi mạng xã hội này công bố công cụ mới cho phép người sử dụng theo dõi và truy cập dễ dàng hơn vào những dữ liệu cá nhân mà mạng xã hội này có về mỗi người dùng. Cổ phiếu Microsoft tăng 2,1% sau khi hãng phần mềm công bố một đợt tái cơ cấu công ty quy mô lớn.
Vào ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào đầu tuần này khi Mỹ và Trung Quốc phát tín hiệu có thể đàm phán về thuế quan và mất cân đối thương mại để ngăn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiếp đó, thị trường lại có hai phiên giảm trước khi tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy nỗi lo thuế quan có thể tác động xấu đến nền kinh tế thế giới đã khiến giới đầu tư toàn cầu giảm mức nắm giữ cổ phiếu xuống thấp nhất 4 tháng trong tháng 3. Cùng với đó, mức nắm giữ cổ phiếu Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm.
Trên sàn NYSE, cứ 3,66 cổ phiếu tăng giá trong phiên này mới có một cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ cổ phiếu tăng-giảm giá là 2,23-1.
Có 7,49 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch ở Mỹ trong phiên này, so với mức trung bình 7,29 tỷ cổ phiếu của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 2,3% và 1,2% trong quý 1, chấm dứt chuỗi 9 quý tăng liên tiếp. Tuy nhiên, Nasdaq vẫn có được mức tăng 2,3% trong quý này.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 kết thúc tháng 3 với mức giảm 4%, chủ yếu do vụ bê bối làm lộ dữ liệu người dùng của Facebook. Cổ phiếu Facebook giảm 10,4% trong tháng.