Thông tin về gói giảm thuế mới của Trung Quốc đã giúp chứng khoán châu Á tăng điểm phiên ngày 15/1 - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, dẫn đầu là sự khởi sắc của thị trường Trung Quốc sau khi Chính phủ nước này tuyên bố chuẩn bị tung một gói giảm thuế mới.
Theo tin từ Reuters, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã đảo ngược sự giảm điểm vào buổi sáng và tăng 1,3% vào cuối giờ chiều theo giờ Việt Nam. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng 1%, trong khi chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc nhảy gần 1,6% và đạt mức cao nhất trong 1 tháng.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip tăng 1,7%, còn chỉ số Shanghai Composite Index tăng hơn 1,8%. Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia tăng hơn 0,7%.
Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng hơn 1,8%. Các chỉ số chính của thị trường Singapore và Ấn Độ cũng "xanh".
Các quan chức Trung Quốc ngày 15/1 công bố một đợt giảm thuế mới "trên diện rộng" chuẩn bị được triển khai. Các chuyên gia của ngân hàng JPMorgan Chase ước tính rằng tổng giá trị của đợt cắt giảm thuế này sẽ lên tới khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 200 tỷ USD, tức vào khoảng 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc.
Cùng với đó, Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia (NDRC) đặt mục tiêu đạt "một sự khởi đầu tốt đẹp" cho nền kinh tế trong quý 1 - một tín hiệu cho thấy những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mới có thể sắp được triển khai.
Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh đang nỗ lực tạo điều kiện để nền kinh tế đạt các mục tiêu tăng trưởng 2019.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi số liệu thống kê công bố ngày 14/1 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ sụt mạnh nhất 2 năm trong tháng 12 vừa qua và nhập khẩu cũng giảm mạnh.
Những con số này làm dấy lên mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán khu vực châu Á và Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.
Ngoài các dữ liệu kinh tế và thông tin về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giới đầu tư còn đang hướng tâm điểm chú ý vào cuộc bỏ phiếu kế hoạch Brexit tại Quốc hội Anh vào ngày 15/1.
Theo các chuyên gia, kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May đứng trước nguy cơ bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu này. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ khả năng thị trường tài chính toàn cầu có phản ứng mạnh sau khi kết quả được công bố.