Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh:AFP |
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hiện giảm 3,16%, đang hướng tới phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm. Tại Hàn Quốc, Kospi mất 1,54%.
Thị trường Trung Quốc mới mở cửa cũng không thoát khỏi đà giảm. Shanghai Composite hiện mất 1,38%. Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) mất 1,83%. Thị trường Australia, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Singapore cũng đang đi xuống. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hiện giảm 1,8%.
Thứ Sáu tuần trước, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ cũng có phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm. DJIA mất 1,8%, S&P 500 giảm 1,9% và mạnh nhất là Nasdaq với 2,5%.
Nhà đầu tư ngày càng lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Số liệu của Đức tuần trước cho thấy sản xuất tại nước này đã co lại tháng thứ 3 liên tiếp. Tại Mỹ, số liệu sơ bộ về hoạt động sản xuất và dịch vụ tháng 3 cũng chỉ ra tốc độ tăng chậm hơn tháng 2.
Đường cong lợi suất đảo ngược tại Mỹ khiến nhà đầu tư lo suy thoái sắp xảy ra. "Chúng tôi đã chạy lại mô hình suy thoái – đường cong lợi suất và nhận thấy khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 10 – 18 tháng tới là 30 – 35%", Tapas Strickland – nhà phân tích thị trường tại National Australia Bank cho biết.
Phần lớn lo ngại của thị trường về tăng trưởng toàn cầu đến từ cuộc chiến thuế nhập khẩu giữa Mỹ với châu Âu và Trung Quốc. Biến động chính trị tại Mỹ và Anh cũng được quan tâm.
Trên thị trường tiền tệ, yen Nhật – công cụ trú ẩn được ưa thích – vẫn đang quanh đỉnh 6 tuần so với đôla Mỹ. Hiện mỗi USD đổi được 109,95 yen. Bảng Anh cũng mất giá, với mỗi bảng hiện đổi được 1,3189 USD. Trong khi đó, đôla Australia đã đi xuống phiên thứ 3 liên tiếp.
Trên thị trường hàng hóa, dầu thô Mỹ - WTI và dầu Brent đều đang giảm khoảng 1%. WTI hiện giao dịch tại 58,4 USD một thùng. Còn giá Brent quanh 66,42 USD. Trong khi đó, giá vàng đang tăng tốc, lên 1.315 USD một ounce.