Chứng khoán châu Á đa số đi xuống do nhà đầu tư chốt lời. Ảnh: Reuters |
Tại thị trường Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc tuần này với mức giảm khá sâu do nhà đầu tư chốt lời sau 6 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số Hang Seng để mất 196,09 điểm (0,7%) xuống khép phiên ở mức 27.651,14 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng giảm 14,53 điểm (0,49%) xuống 2.964,18 điểm sau khi số liệu mới nhất cho thấy hoạt động xuất – nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 10/2019, dù với tốc độ chậm hơn dự kiến.
Không nằm ngoài xu hướng giảm của khu vực, chứng khoán Hàn Quốc dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp do hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul phiên 8/11 giảm 7,06 điểm (0,33%) xuống đóng phiên ở mức 2.137,23 điểm.
Chứng khoán Taipei cũng giảm 0,2%, chứng khoán Manila lùi 0,7% và Jakarta để mất 0,1%. Chứng khoán Mumbai cũng lùi 0,2% trong phiên này sau khi hãng xếp hạng tín dụng Moody’s hạ mức đánh giá triển vọng về các khoản nợ của Ấn Độ.
Điểm sáng hiếm hoi trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên này là Nhật Bản. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo đã kéo dài chuỗi tăng điểm sang phiên thứ tư liên tiếp khi tiến thêm 61,55 điểm (0,26%) lên 23.391,87 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này đã tăng tới 2,37%.
Tin tức từ Bắc Kinh cho hay Trung Quốc đã đồng ý với Mỹ về một kế hoạch cùng cắt giảm các biện pháp thuế quan áp lên hàng hóa của nhau nếu các cuộc đàm phán đạt tiến triển đã tạo ra một làn sóng tăng điểm vào cuối phiên ngày thứ Năm (7/11).
Thông báo này đã giúp giảm bớt lo lắng của thị trường về tình hình các cuộc đàm phán, sau khi có thông tin rằng thời gian ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể bị hoãn cho đến tháng 12 thay vì tổ chức vào tháng 11 như dự kiến trước đó.
Nhưng giới đầu tư châu Á đã trở về trạng thái thận trọng sau khi Nhà Trắng không đưa ra bình luận về các phát ngôn từ phía Trung Quốc. Cũng có một số nguồn tin cho hay nội bộ Chính quyền Tổng thống Trump vẫn có những người phản đối một động thái như vậy.
Còn tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11, VN – Index giảm 1,54 điểm xuống 1.022,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 181,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.149,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng giá, 81 mã đứng giá và 155 mã giảm giá.
HNX – Index tăng 0,39 điểm lên 107,27 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 33,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 350 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 69 mã giảm giá./.