Chủ tịch Agrimeco: Xã hội còn nhiều phát minh, sáng kiến có giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nước ta có khoảng 15.000 hồ chứa thủy lợi nằm trên khắp 42 tỉnh/thành nhưng đa số chưa được khai thác thủy điện. Chính thực trạng này đã thôi thúc kỹ sư Lê Văn An, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) không ngừng sáng tạo để khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện, góp phần mang đến thành công cho những công trình thủy điện đất nước.
Agrimeco được Chính phủ, nhà đầu tư tin tưởng giao thực hiện nhiều công trình thủy điện lớn
Agrimeco được Chính phủ, nhà đầu tư tin tưởng giao thực hiện nhiều công trình thủy điện lớn
Ông Lê Văn An

Ông Lê Văn An

Sốt ruột với lãng phí tài nguyên nước

Ngày 26/4/2023, tại Hà Tĩnh, Agrimeco tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao và Dự án Nhà máy Thủy điện Vũ Quang với tổng vốn đầu tư gần 850 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành và phát điện thương mại. “Tại dự án này, Agrimeco áp dụng công nghệ mới, sử dụng tuabin trong ống dòng chảy thẳng do chính doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thành công”, ông An chia sẻ.

Thủy điện Vũ Quang là một trong những dự án năng lượng tái tạo được triển khai theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường của Agrimeco. Ông An cho biết, các dự án này sẽ khai thác triệt để tiềm năng từ hồ chứa thủy lợi để phát điện, không ảnh hưởng đến kết cấu công trình hiện hữu, tăng khả năng thoát lũ của hồ thủy lợi, không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, không gây ngập lụt vùng hạ du và không phải di dân tái định cư.

Xuất thân là kỹ sư thủy lợi, ông An tham gia những công trình từ Tây Bắc, Tây Nguyên cho đến miền Trung… Những ngày tháng rong ruổi trên khắp các nẻo đường đất nước khiến ông nhận ra rằng, chúng ta đang sử dụng lãng phí tài nguyên nước. “Cả nước có khoảng 15.000 hồ chứa thủy lợi, nhưng chỉ làm mỗi nhiệm vụ tưới tiêu, tiềm năng thủy điện rất lớn nhưng lại chưa được khai thác. Trong khi đó ở nước ngoài, nhất là những nước tiên tiến, họ tận dụng tối đa nguồn nước để phát điện”, ông An trăn trở. Và thế là ông cùng đội ngũ kỹ sư của Agrimeco bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp.

Ông kể, qua phân tích thấy rằng, từ những năm 1990 đến nay, một số nhà đầu tư cũng đã nghiên cứu phát triển thủy điện trên hồ thủy lợi, nhưng lại làm với công nghệ truyền thống, tức là xây một nhà máy thủy điện phía sau đập thủy lợi, nước trước khi chảy xuống kênh tưới thì phải chảy qua nhà máy điện để phát điện… Nhược điểm của hình thức đầu tư này là chi phí vốn lớn nhưng hiệu quả thấp, vì thời gian phát điện phụ thuộc vào lịch tưới thủy lợi (khoảng 2 - 3 vụ/năm).

Sau một thời gian nghiên cứu, ông An cùng đội kỹ sư của Agrimeco phát hiện việc sử dụng công nghệ tuabin trong ống dòng chảy thẳng áp dụng cho các nhà máy thủy điện sẽ khắc phục được nhược điểm của công nghệ truyền thống, chi phí đầu tư thấp, khai thác triệt để tiềm năng thủy điện của hồ chứa thủy lợi... Với thành công trong ứng dụng công nghệ mới tại Dự án Nhà máy Thủy điện Vũ Quang, Agrimeco tính toán, nếu công nghệ mới được áp dụng ở các hồ thủy lợi trên cả nước, bước đầu có thể tạo ra được 2.000 - 3.000 MW, lớn hơn rất nhiều so với công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Đây là một trong những sáng kiến của “thuyền trưởng” Agrimeco thời gian qua, góp phần mang lại sự phát triển cho chính doanh nghiệp cũng như ngành cơ khí.

Kỳ tích ở Thủy điện Sơn La

Kể về thời khắc “hồi hộp đến vỡ tim” của mình, ông An nói đến Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La mà ông vô tình tham gia bằng một sáng kiến.

Ông kể, năm 2005, thời điểm công trình Thủy điện Sơn La đang hừng hực khí thế xây dựng thì đột nhiên có nguy cơ phải tạm dừng vì thiếu thiết bị nâng hạ thủy lực các cửa van dẫn/chặn dòng. Đây là những thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng, tổng chi phí khoảng 135 tỷ đồng, trong nước chưa chế tạo được mà phải đặt hàng ở những quốc gia thuộc khối G7, thời gian nhanh nhất cũng 2 năm.

Nhưng vấn đề là thời gian không chờ được. Thủy điện Sơn La vừa thiết kế, vừa thi công nên nếu phải chờ thiết bị 2 năm thì toàn bộ công trường với hàng núi việc cùng hàng nghìn lao động sẽ đình trệ... Trong lúc đau đầu tìm lời giải, ông Lê Bá Nhung, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1, đơn vị thiết kế Thủy điện Sơn La nhớ tới ông An với tâm niệm “có bệnh thì vái tứ phương”. Cuộc gặp gỡ tưởng chừng cầu may ấy lại thành công ngoài dự kiến. Sau khi ông Nhung chia sẻ thông số kỹ thuật của thiết bị, ý tưởng về thiết bị nâng hạ thủy lực các cửa van dẫn/chặn dòng đã được ông An nghĩ ra.

Ông An cho biết, đây là sáng kiến mới, thậm chí khi đưa lên Hội đồng Thẩm định Nhà nước thì có tới 2/3 thành viên của Hội đồng có văn bản gửi Thủ tướng xin bác vì “không thể mang công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á ra làm thí điểm”. Giữa lúc giằng co ấy, ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ (người được giao phụ trách thủy điện) xin triển khai thực hiện trong vòng 1 tháng với tổng chi phí chưa đến 20 tỷ đồng (bao gồm cả thiết kế, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt).

“Lúc chạy thử tổ máy đầu tiên, Agrimeco gửi giấy mời các đơn vị liên quan nhưng không ai đến, có lẽ một phần là không tin tưởng, một phần sợ liên đới trách nhiệm. Bản thân tôi thì muốn chứng kiến thành quả, song vì áp lực lớn quá nên cũng có lúc muốn trốn chạy. Sau khi chạy thử nghiệm thành công Tổ máy số 1, chúng tôi quyết tâm vận hành thử nghiệm Tổ máy số 2. Lúc này, Công ty không mời ai nhưng nghe tin thành công nên người đến chứng kiến đông nghẹt”, ông An nhớ lại.

Nhờ chế tạo thành công thiết bị, Agrimeco đã góp phần quan trọng đưa Dự án Thủy điện Sơn La về đích sớm 2 năm, không chỉ làm lợi cho đất nước mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng mà còn góp phần bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế...

Sau kỳ tích ở Thủy điện Sơn La, Agrimeco được Chính phủ, nhà đầu tư tin tưởng giao thực hiện nhiều công trình thủy điện lớn khác. Sáng kiến này đã được áp dụng tại hầu hết các công trình thủy điện ở nước ta.

Từng học tập ở châu Âu nhiều năm, Chủ tịch Agrimeco thấy rằng, người Việt Nam rất thông minh và sáng ý. Do đó, ông luôn khuyến khích các đồng sự, cấp dưới mạnh dạn nêu ý tưởng, sáng kiến và thưởng xứng đáng cho những cá nhân có sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Trong xã hội còn nhiều phát minh, sáng kiến có giá trị, cần được phát hiện và áp dụng vào cuộc sống, góp phần cho sự phát triển của đất nước.

Chuyên đề