Trước biến động lớn về giá cả, cơ quan nhà nước cần xem xét điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tránh thua thiệt quá lớn cho nhà thầu. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Gần đây nhất là Gói thầu Xây lắp thuộc Công trình sửa chữa nền, mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn Km200 - Km215 Quốc lộ 4H do Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư (thời điểm mở thầu là 12/3/2022). Giá gói thầu trong quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (ngày 24/1/2022) là 46,148 tỷ đồng. Đến ngày 9/3/2022, sau khi được cập nhật lại, giá gói thầu tăng lên 46,83 tỷ đồng.
Gói thầu số 7 Thi công xây dựng công trình + đảm bảo an toàn giao thông thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 413 đoạn Km0+00 đến Km5+900, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội cũng được điều chỉnh tăng giá gói thầu từ 283,103 tỷ đồng lên 283,278 tỷ đồng. Gói thầu này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây làm bên mời thầu (BMT).
Hay tại Gói thầu Xây lắp thuộc Công trình Cải tạo, nâng cấp mặt đường bê tông xi măng Đông SLấn - UBND xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Văn Lãng, giá gói thầu sau khi cập nhật lại, điều chỉnh tăng từ 3,49 tỷ đồng lên 3,582 tỷ đồng…
Nguyên nhân chính, hầu hết các chủ đầu tư đều cho rằng, chủ yếu là do giá sắt thép, xăng dầu, nhựa đường… biến động lớn, tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như cuộc chiến tại Ukraina. Theo Ban Quản lý bảo trì đường bộ của Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, từ thời điểm lập dự án cho đến khi mở thầu thường là 5 - 6 tháng. Có công trình, đơn giá tại thời điểm lập kế hoạch của nhựa đường (cuối năm 2021) là 11.995 đồng/kg thì đến ngày 16/3/2022 là 17.100 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Văn Lãng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đa số gói thầu giá dự toán được điều chỉnh tăng lên. Thậm chí, gần đây có gói thầu sau điều chỉnh tăng giá làm vượt tổng mức đầu tư nên Ban đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước tình trạng biến động tăng giá, Ban Quản lý dự án 5 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại lựa chọn cách cắt giảm khối lượng thực hiện, quy mô đầu tư để không làm tăng tổng mức đầu tư. Ví dụ như, trước dự định làm con đường 10 km thì nay điều chỉnh giảm xuống còn 9 km, hoặc cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết…
Về phía nhà thầu, theo ông Lê Dương - Giám đốc Phòng Phát triển dự án của Công ty CP Hệ thống kỹ thuật ứng dụng ATS JSC, kể cả cập nhật lại giá để phù hợp với thực tế trước khi mở thầu nhưng nhiều trường hợp không thể tính đúng, tính đủ, nhất là phần thiết bị, vì chủ đầu tư không dám điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt.
Theo ông Lê Dương, một số gói thầu trong ngành điện gần đây xảy ra tình trạng tất cả nhà thầu tham dự đều chào vượt giá, khiến chủ đầu tư phải xem xét điều chỉnh tăng giá gói thầu.
Trong trường hợp mức biến động lớn về giá cả vật liệu xây dựng khiến nhà thầu không chịu đựng được, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cơ quan nhà nước cần cân nhắc xem xét điều chỉnh chính sách cho phù hợp, để tránh thua thiệt quá lớn cho nhà thầu. Nếu điều chỉnh thì phải thành lập hội đồng để đánh giá, xác định rõ những vật liệu xây dựng nào cần phải điều chỉnh, và khoảng thời gian nào được phép điều chỉnh với thời hạn cụ thể, tránh đánh đồng tất cả.
Trong khi chưa có sự thay đổi chính sách, ông Tăng lưu ý, việc thực hiện hợp đồng đã ký cũng như nghiệm thu tiến độ phải thực hiện theo đúng quy định, không được phép điều chỉnh tùy tiện. Mặt khác, để hạn chế thua lỗ, các nhà thầu cần rà soát, cải tiến lại quy trình, tiết giảm chi phí. Đây cũng là giải pháp mà các nhà sản xuất đang thực hiện và một số đã cho thấy có hiệu quả.