Chốt chặn nhân sự tại gói thầu tư vấn lĩnh vực đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Địa chính, đất đai là lĩnh vực rộng lớn, gắn với nhiều ngành nghề, chuyên môn đào tạo. Việc đưa yêu cầu về năng lực, bằng cấp, chuyên môn của đội ngũ nhân sự thực hiện gói thầu tư vấn trong lĩnh vực này nếu không đủ căn cứ, cơ sở lý luận và trách nhiệm giải trình thì rất dễ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện khi đấu thầu. Báo Đấu thầu ghi nhận tình trạng này tại một loạt gói thầu tư vấn trong lĩnh vực đất đai.
Nhiều gói thầu tư vấn trong lĩnh vực đất đai phát sinh kiến nghị vì yêu cầu chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ đối với nhân sự chủ chốt. Ảnh minh họa
Nhiều gói thầu tư vấn trong lĩnh vực đất đai phát sinh kiến nghị vì yêu cầu chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ đối với nhân sự chủ chốt. Ảnh minh họa

Mới đây, tại Gói thầu Đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai 3 xã: Bản Bo, Bình Lư, Sơn Bình, huyện Tam Đường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu mời thầu, nhiều nhà thầu phản ánh họ gặp khó trong việc dự thầu bởi tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt tại hồ sơ mời thầu (HSMT) mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành. Theo quy định tại HSMT, các vị trí nhân sự chủ chốt (chủ nhiệm - 1 người, đội trưởng - 3 người) phải có “chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ” do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp, là nhân sự thuộc biên chế của doanh nghiệp tham dự thầu.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 53 Luật Đo đạc và Bản đồ 2018 quy định: “công dân Việt Nam hành nghề đo đạc và bản đồ độc lập phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc thực hiện; chứng chỉ có thời hạn ít nhất là 5 năm và được gia hạn”. Như vậy, theo quy định, chứng chỉ hành nghề chỉ bắt buộc đối với cá nhân hoạt động đo đạc bản đồ độc lập. Nghĩa là, cá nhân hành nghề đo đạc bản đồ nhưng đang không hoạt động trong một cơ quan, tổ chức nào. Đối với các cá nhân có bằng cấp chuyên môn được đào tạo phù hợp, đang hoạt động trong đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện và tổ chức này đã được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đang còn hiệu lực, thì không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ. Việc đồng thời yêu cầu giấy phép đo đạc và bản đồ đối với tổ chức tham gia dự thầu và yêu cầu đối với từng cá nhân trong khi nhân sự đã đáp ứng yêu cầu về bằng cấp chuyên ngành, kinh nghiệm trong các công việc tương tự, theo nhà thầu, là không phù hợp với quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ 2018, gây hạn chế cạnh tranh.

Tương tự, tại 2 gói thầu đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Điện Tiến và phường Điện Ngọc đang được Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức mời thầu, Công ty TNHH Vietmap có văn bản kiến nghị Bên mời thầu lược bỏ yêu cầu về “chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ” đối với các vị trí nhân sự chủ chốt gồm chủ nhiệm công trình và chủ trì đo đạc bản đồ.

Một số gói thầu tư vấn trong lĩnh vực đất đai cũng bị phản ánh hạn chế nhà thầu khi yêu cầu quá cao về trình độ học vấn, bằng cấp của nhân sự chủ chốt. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Một số gói thầu tư vấn trong lĩnh vực đất đai cũng bị phản ánh hạn chế nhà thầu khi yêu cầu quá cao về trình độ học vấn, bằng cấp của nhân sự chủ chốt. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Một số gói thầu cũng ghi nhận phản ánh của nhà thầu về các bất cập tương tự như Gói thầu Đo đạc bản đồ địa chính 4 xã: Trạm Thản, Liên Hoa, Trung Giáp, Trị Quận, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ yêu cầu 7 vị trí nhân sự chủ chốt đều phải có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; Gói thầu Đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai yêu cầu 34 nhân sự chủ chốt có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ... Hệ quả là, các gói thầu này liên tục bị nhà thầu gửi văn bản làm rõ, thậm chí kiến nghị về những tiêu chuẩn đánh giá gây tranh cãi, dẫn đến phải hủy thầu, tổ chức đấu thầu lại.

Bên cạnh tình trạng thêm vào HSMT dạng chứng chỉ mà pháp luật chuyên ngành không có quy định, một số gói thầu tư vấn trong lĩnh vực đất đai cũng bị phản ánh hạn chế nhà thầu khi yêu cầu quá cao về trình độ học vấn, bằng cấp của nhân sự chủ chốt. Đơn cử tại Gói thầu Lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, HSMT quy định, các vị trí tư vấn trưởng/chủ nhiệm dự án; chuyên gia quản lý đất đai; chuyên gia về môi trường; chuyên gia về phát triển nông nghiệp - nông thôn; chuyên gia về trắc địa bản đồ phải đạt đến trình độ tiến sĩ. Trong khi đó, Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định, điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là có ít nhất 5 cá nhân đủ điều kiện (có một trong các bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính và các chuyên ngành khác có liên quan và có thời gian công tác trong lĩnh vực tương tự từ 24 tháng trở lên, đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 1 quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp trở lên).

Điều đáng nói, dù rất nhiều nhà thầu lên tiếng, song hầu hết những phản ánh này không được các chủ đầu tư, bên mời thầu ghi nhận, tiếp thu, rà soát, điều chỉnh HSMT. Thay vào đó là các lập luận nhấn mạnh về tầm quan trọng, đặc thù của công việc, lĩnh vực mời thầu, thường không đủ sức thuyết phục nhà thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, theo quy định Luật Đo đạc và Bản đồ 2018, chứng chỉ hành nghề chỉ bắt buộc đối với cá nhân hoạt động độc lập và áp dụng đánh giá nhà thầu là cá nhân dự thầu với tư cách chuyên gia tư vấn. Đối với tổ chức, để hoạt động đo đạc bản đồ cần có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó, nội dung được cấp phép đã yêu cầu phải có lực lượng kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ. “Do đó, yêu cầu chứng chỉ này đối với cả trường hợp nhân sự thuộc tổ chức tham dự thầu là không phù hợp với quy định chuyên ngành”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo chuyên gia đấu thầu, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, chỉ yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có yêu cầu về bằng cấp/chứng chỉ chuyên môn. Như vậy, trường hợp thêm vào HSMT các dạng chứng chỉ hành nghề nằm ngoài phạm vi của pháp luật chuyên ngành là điều kiện hạn chế nhà thầu.

Chuyên đề