Chống “ế” cho IPO, giải pháp mới đã trình Chính phủ

(BĐT) - Để chống “ế” cho các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp mới lên Chính phủ.
2 tháng đầu năm, trong 5 doanh nghiệp IPO qua Sở giao dịch chứng khoán, tỷ lệ cổ phần bán được là 40%.
2 tháng đầu năm, trong 5 doanh nghiệp IPO qua Sở giao dịch chứng khoán, tỷ lệ cổ phần bán được là 40%.

Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần đã trao đổi với báo chí.

Giá bán cổ phần chưa theo sát nhu cầu của thị trường được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều đợt IPO bị “ế”. Ông có cùng cách nhìn này?

Trước các đợt IPO, khâu quảng bá, giới thiệu về cơ hội đầu tư cũng như nắm bắt nhu cầu của giới đầu tư còn chưa tốt, nên nhiều đợt IPO đạt kết quả không như mong đợi.

Để khắc phục tình trạng này, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ có bổ sung một phương thức bán cổ phần lần đầu.

Chống “ế” cho IPO, giải pháp mới đã trình Chính phủ ảnh 1

Ông Nguyễn Duy Long

Theo đó, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành là đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp, dự thảo Nghị định bổ sung phương thức dựng sổ. Đây là phương thức phổ biến trên thế giới. Phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Áp dụng phương thức dựng sổ, nhưng cổ phần trong đợt IPO vẫn không bán hết thì xử lý ra sao, thưa ông?

Đối với số cổ phần chưa bán hết, bao gồm cả số cổ phần chưa bán hết cho các nhà đầu tư chiến lược, Bộ Tài chính đưa ra 4 hướng xử lý như sau:

Thứ nhất, trường hợp không có nhà đầu tư nào đăng ký mua cổ phần thì thực hiện bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt, đồng thời thực hiện các thủ tục để chuyển doanh nghiệp sang công ty cổ phần. Số lượng cổ phần chưa bán được sẽ được điều chỉnh lại vốn điều lệ và thực hiện thoái vốn sau khi doanh nghiệp đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Thứ hai, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần thì thực hiện bán thỏa thuận cổ phần cho nhà đầu tư này, với giá bán không thấp hơn giá khởi điểm (đối với khối lượng đã đăng ký mua hợp lệ). Nếu nhà đầu tư không mua thì thực hiện theo giải pháp thứ nhất.

Thứ ba, nếu sau khi bán đấu giá công khai, tất cả các nhà đầu tư trúng đấu giá trong cuộc đấu giá công khai đều từ chối mua thì thực hiện theo giải pháp thứ nhất.

Thứ tư, trường hợp đã bán được một phần số cổ phần chào bán trong cuộc đấu giá công khai, số lượng cổ phần còn lại, bao gồm cả số lượng cổ phần các nhà đầu tư đã trúng giá nhưng từ chối mua, sẽ được tiếp tục thông báo đến các nhà đầu tư đã tham gia đấu giá hợp lệ để bán thỏa thuận.

Cụ thể, bán cho các nhà đầu tư theo khối lượng đăng ký và mức giá đặt mua tại phiên đấu giá, theo nguyên tắc lựa chọn giá thỏa thuận từ mức giá đã trả cao nhất xuống mức thấp của cuộc đấu giá trở xuống cho đủ số lượng cổ phần còn phải bán.

Bộ Tài chính đã chuẩn bị văn bản hướng dẫn Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP chưa, để sau khi Nghị định được ban hành thì phương thức dựng sổ được áp dụng ngay?

Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Tài chính doanh nghiệp đang xây dựng văn bản hướng dẫn, để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm với Nghị định thay thế Nghị định 59/2011//NĐ-CP.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng cho biết, phương thức dựng sổ được áp dụng phổ biến trên thế giới, trong đó Trung Quốc cũng đã thực hiện. Áp dụng phương thức này sẽ giúp cho đợt IPO có tỷ lệ cổ phần bán được cao hơn, đồng thời doanh nghiệp IPO thuận lợi hơn trong thu hút nhà đầu tư chiến lược, gắn kết IPO với niêm yết trên thị trường chứng khoán tốt hơn.

Nếu được Chính phủ cho phép áp dụng phương thức dựng sổ, Bộ Tài chính, UBCK dự kiến triển khai theo 2 bước để doanh nghiệp và thị trường quen dần. Bước 1 sẽ chọn một số công ty lớn để triển khai thí điểm, trên cơ sở tổng kết mà cho kết quả tốt, thì bước 2 là triển khai đại trà.

Chuyên đề