Chờ mong bình minh lên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, gần như thấp nhất 12 năm là dữ liệu rõ ràng nhất cho thấy khó khăn mà nền kinh tế đang phải trải qua. Trong bối cảnh khó khăn được dự báo còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu bảo vệ dòng tiền, giảm áp lực nợ vay… để duy trì hoạt động trong những tháng tới.
Nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm tồn kho, củng cố dòng tiền, giảm gánh nặng tài chính… để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm tồn kho, củng cố dòng tiền, giảm gánh nặng tài chính… để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Nhã Chi

Bất động sản, lĩnh vực có nhiều tỷ phú và nhiều doanh nghiệp lớn, đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề của các doanh nghiệp địa ốc hiện nay là tồn kho và áp lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chấp nhận tái cơ cấu nguồn vốn, danh mục đầu tư để vượt qua giai đoạn khó khăn chung.

Trong báo cáo gửi cổ đông, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), một doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cho biết sẽ “làm mới” lại các dự án còn tồn kho và đẩy mạnh bán sỉ dự án để sớm thu hồi vốn. Đồng thời, Công ty sẽ tái cơ cấu về tài chính, giảm bớt nợ vay và nợ quá hạn; tăng cường thu hồi công nợ khó đòi, giảm hệ số nợ, tăng hệ số vòng quay hàng tồn kho. Tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của TDC ở mức 2.611,2 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản, giá trị các dự án đang thực hiện chiếm 41,6% tổng tài sản.

“Ông lớn” địa ốc phía Nam là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) thì đang tích cực đàm phán với các trái chủ để gia hạn thanh toán hoặc thanh toán bằng tài sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã lên phương án chào bán hơn 2,9 tỷ cổ phiếu và phương án phát hành ESOP trong năm 2023 để có thêm nguồn lực tái cấu trúc nợ.

Mới đây, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) thông báo hoàn thành thanh toán và mua lại trước hạn 2.400 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ. Đồng thời, doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn lực để thanh toán hoặc mua lại trước hạn 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng. KBC cho biết hoàn toàn yên tâm về khả năng thanh toán nợ, bảo đảm lợi ích cho tất cả nhà đầu tư, đối tác và tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án khu công nghiệp (KCN) lớn mới được phê duyệt.

Thời gian qua, thị trường bất động sản khó khăn cũng kéo theo nhiều lĩnh vực như xây dựng, vật liệu xây dựng… lao đao. Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành thép khi nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 khá bi quan. Trong kịch bản xấu nhất, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) dự kiến lỗ 252 tỷ đồng và trong điều kiện thuận lợi có thể lãi 28 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 5,25% về mức 8.000 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 3/2023, Tổng giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết, từ quý IV/2022 Ban lãnh đạo đã quyết định duy trì chính sách tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm thấp để giảm thiểu rủi ro. Sau khi dừng hoạt động của 4 lò cao, hiện Tập đoàn đã chạy lại 2 lò cao và dự kiến chạy nốt 2 lò cao còn lại trong quý II/2023. “Việc chạy lò cao phải dựa theo tình hình thị trường, nếu thị trường có tín hiệu tốt thì Tập đoàn sẽ tăng sản lượng. Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng sức tiêu thụ thép chưa tốt và giá nguyên vật liệu vẫn tương đối cao, nên tiếp tục chờ tín hiệu thị trường”, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết. Bên cạnh đó, Hòa Phát sẽ không thực hiện chia cổ tức năm 2022 để dồn lực cho Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Tổng đầu tư của dự án này tới nay riêng tài sản cố định đã lên tới 75.000 tỷ đồng (khoảng 3,2 tỷ USD).

Bảo vệ dòng tiền và duy trì doanh thu là ưu tiên mà lãnh đạo của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra đầu tháng 4/2023. Bên cạnh đó là kiểm soát các hạng mục chi phí lớn như chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện… Đồng thời, Công ty sẽ tạm ngưng mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi bán lẻ AVAKids, chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương.

Báo cáo của Thế giới Di động cho biết, trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy giảm mạnh hơn dự kiến. Trong đó, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng trung, cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

Khó khăn trước mắt là không nhỏ và các doanh nghiệp đang phải linh hoạt tận dụng từng cơ hội nhỏ để thích nghi. Nhiều doanh nghiệp chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước sớm đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chuyên đề