Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tiếp tục đề nghị đấu giá biển số xe. Ảnh: QH. |
Phiên thảo luận dự luật quản lý sử dụng tài sản công sáng 29/5 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến liên quan đến việc quản lý kho số, trong đó có việc đấu giá số đẹp.
Là người đề nghị bổ sung quy định đấu giá biển xe đẹp tại các phiên thảo luận trước, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến các đại biểu khi bổ sung vào dự luật quy định "kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật" vào khoản 6 Điều 4 của dự luật.
Tuy nhiên theo ông Cảnh, không chỉ biển số xe đẹp là tài sản công mà tất cả các biển số xe đều là tài sản công, không phân biệt đẹp hay không đẹp. Việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định.
“Vì là tài sản công, nên biển số xe được xem là đẹp phải được số đông đồng ý khi chúng ta thực hiện việc khảo sát; từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện. Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể, ví dụ 20 triệu cho một số theo yêu cầu, các số còn lại bấm ngẫu nhiên sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền”, ông Cảnh đề xuất.
Minh chứng cho ý kiến của mình, đại biểu Cảnh liệt kê, trong mỗi series số ví dụ từ 30A 000.01 đến 30A 999.99 có 99.999 số sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ. Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng hơn 1.600 tỷ đồng. Với lượng ôtô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số xe công, thì trong năm 2016 chúng ta có thể thu gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai tương tự cho xe 2 bánh cũng thu số tiền không kém.
Chưa đồng tình, đại biểu Bùi Việt Phương tranh luận, từ đầu năm đến nay có 400.000 xe bán ra và số tiền biển số thu được từ người dân lên đến 6.800 tỷ. "Làm thế nào mà có con số mấy nghìn tỷ như đại biểu nói. Người dân nghe thấy thế thì nghĩ chúng ta thiếu sót, làm thất thoái nhiều quá”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Đại biểu Bùi Văn Phương. Ảnh: QH.
Đại biểu Phương cho rằng, thực tế chỉ những ôtô đẹp mới hay tìm số đẹp như phát lộc, phát tài, tứ quý… còn với đa số người dân, nếu được số đẹp thì tốt nhưng không được cũng không sao.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Phương, liên quan đến Hiến pháp, đến quyền sở hữu tài sản, nếu đã tổ chức đấu giá, người mua được biển đẹp thì tài sản đó là của họ. Nếu sau này họ không có nhu cầu sẽ chuyển nhượng lại gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Cũng theo đại biểu Phương, việc khó quản lý còn thể hiện ở kho số nhà, hiện được quản lý theo số thứ tự và dãy bên lẻ bên chẵn. Nếu dự luật coi số nhà là kho số được đấu giá, giả sử theo thứ tự nhà tôi sẽ là số 13 nhưng tôi không thích số đó và đấu giá số khác. Như vậy nhà nước sẽ phải quản lý thế nào? Ông Phương đề nghị cân nhắc kỹ điều luật này.
Cũng nói đến con số 13, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tranh luận, cử tri có đặt vấn đề số đẹp thì nhà nước bán, nếu số không đẹp thì công dân có quyền từ chối không, ví dụ số 13. Ngoài ra, bên cạnh biển số xe, còn các kho số khác như mã số định danh, công dân có quyền đấu giá không vì nhu cầu chọn số đẹp là có.
Tranh luận lại các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề, việc đưa ra đấu giá kho số đẹp thu được hàng nghìn tỷ sao không làm. Việc sửa chữa những quy định liên quan để việc đấu giá có thể thực hiện thì có thể điều chỉnh. Ví dụ cái khó bây giờ biển số xe gắn với xe, khi bán xe cũng có thể bán biển số. Tương tự, biển số nhà gắn với đất, khi đấu giá đất cũng có thể mua luôn biển số nhà.
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu dự luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4.
Tiếp thu ý kiến, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của Dự thảo luật là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Sau khi được bổ sung, Điều 4 Khoản 6 quy định: Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.