Chính sách tiền tệ vượt khó cùng doanh nghiệp

(BĐT) - Trong nhiều năm, việc điều hành chính sách tiền tệ luôn được đánh giá là chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước những tác động bất thường của dịch Covid-19 với nền kinh tế, nguyên tắc điều hành này càng phát huy tác dụng với một chuỗi giải pháp chưa từng có tiền lệ, tạo sự đồng lòng từ cả hệ thống ngân hàng và niềm tin từ doanh nghiệp.
Chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng, mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng, mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Tin tưởng và sẵn lòng chia sẻ

Chỉ cách đây vài tháng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2020, không ít ngân hàng thương mại đặt những con số tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận vài chục phần trăm dựa trên kết quả năm 2019 và triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ định hướng điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục chủ động, linh hoạt và ứng phó với các kịch bản khác nhau theo diễn biến kinh tế trong và ngoài nước.

Trong các kịch bản ấy, hoàn toàn không có bóng dáng của Covid-19. Nhưng ngay khi dịch bệnh bắt đầu có biểu hiện ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, một kịch bản chưa từng có đã được áp dụng với lộ trình và liều lượng linh hoạt.

Cộc mốc quan trọng nhất của lộ trình này chính là việc ban hành và thực thi Thông tư 01/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng mạnh dạn hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp đó, để tạo thuận lợi cho các ngân hàng, NHNN đã chủ động kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành với mức giảm khá mạnh từ 0,5 - 1%. Đồng thời, lãnh đạo NHNN đã liên tục làm việc với các ngân hàng thương mại để yêu cầu thực hiện ngay việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, bên cạnh việc ban hành chính sách như vậy, cơ quan này cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch các thủ tục, điều kiện với khách hàng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. “Có thể nói đây là những giải pháp quan trọng, cần thiết để hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp”, Thống đốc nói.

Thống đốc cũng yêu cầu giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt Thông tư 01, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

Hưởng ứng và tin tưởng ở cách thức điều hành của NHNN, cùng hướng tới một mục tiêu chung là vượt qua các trở ngại do dịch Covid-19 để doanh nghiệp hồi phục và tiếp tục phát triển mạnh sau dịch, nhiều nhà băng đã đồng lòng, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng để giảm lãi vay và cơ cấu nợ cho khách hàng.

Đánh giá cao giải pháp điều hành của NHNN, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh: “NHNN đã vào cuộc nhanh chóng, hạ nhiều lãi suất điều hành để dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn đối với cả nền kinh tế. Các chính sách này đã góp phần giảm áp lực về vốn và trả nợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, đồng thời giúp các ngân hàng thương mại thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa là chính sách này nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng, mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế”.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng đồng lòng với NHNN trong việc giảm lãi suất và cơ cấu nợ bởi đó là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay, có lợi cho doanh nghiệp cũng có nghĩa là giúp ngân hàng nuôi dưỡng nguồn khách hàng, vì mục tiêu chung là nhanh chóng tạo dòng tiền để hồi phục sản xuất kinh doanh. 

Tự tin với nguồn lực vững mạnh

Hưởng ứng và tin tưởng ở cách thức điều hành của NHNN, cùng hướng tới một mục tiêu chung là vượt qua các trở ngại do dịch Covid-19 để doanh nghiệp hồi phục và tiếp tục phát triển mạnh sau dịch, nhiều nhà băng đã đồng lòng, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng để giảm lãi vay và cơ cấu nợ cho khách hàng.
Ở một khía cạnh khác, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nếu cần thiết. Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn lực được Thống đốc NHNN nhắc đến có thể hiểu là sự ổn định kinh tế vĩ mô từ những năm qua, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng đã tốt hơn sau nhiều năm tái cơ cấu, dự trữ ngoại hối ở mức cao chưa từng có và quan trọng nhất là niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống ngân hàng với cơ quan điều hành.

“Ngành ngân hàng cũng như NHNN hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Với nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc khẳng định.

Quan sát cách thức điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều năm qua, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Các giải pháp ứng phó vừa qua của NHNN là những bước đi nhanh nhưng đủ thận trọng để vẫn kiểm soát được lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam chưa phải là thấp. Việc điều chỉnh chính sách của NHNN mặc dù mạnh hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn tạo ra dư địa nhất định để vào thời điểm cần thiết cơ quan này có thể tiếp tục làm mạnh hơn trên cơ sở vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô”.

Chuyên đề