Tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm đang đe doạ khả năng đảm bảo trần nợ công 65% GDP. |
Bản báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của khoá mới. Cơ quan điều hành dự báo nợ công, nợ Chính phủ tới cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép.
Quan điểm này đưa ra dựa trên sự phân tích những dữ liệu vĩ mô gần đây, đặc biệt là sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.
Tăng trưởng 6 tháng giả được lý giải do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là giảm sút tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giảm 0,18%) và công nghiệp… Ba lĩnh vực trọng yếu đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong nửa đầu năm đã khiến tăng trưởng GDP giảm 0,8% so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
“Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm”, Chính phủ dự báo.
Sau những khẳng định “giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng” tại nhiều cuộc họp Chính phủ gần đây, tại báo cáo lần này, quyết tâm đạt mục tiêu vẫn còn, nhưng cách thức và quan điểm của nhà điều hành dường như “mềm” và linh hoạt hơn. Bản báo cáo cũng dự báo mức lạm phát có thể vượt 5% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Không mấy hài lòng khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng điều ông quan tâm không phải là con số cao hay thấp, mà chính là tính bền vững của tốc độ tăng trưởng. “Năm nay có thể chúng ta đạt mức tăng trưởng thấp, nên chấp nhận điều đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tiếp theo”, vị chuyên gia này bình luận.
Dù vậy thì tăng trưởng đạt thấp trong 6 tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP, nợ công và nợ Chính phủ. Và điều lo ngại này được nêu rõ trong báo cáo của Chính phủ lần này.
Theo đánh giá trên cơ sở phân tích số liệu vĩ mô nửa đầu năm 2016, nhất là con số về tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra, nợ công và nợ Chính phủ dự báo tới cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.
Thực tế trong một báo cáo hồi cuối năm 2015, dữ liệu của Chính phủ cũng đã cho thấy nợ công so với GDP đã ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).
Bản tin nợ công vừa được Bộ Tài chính công bố cũng cho thấy, dư nợ Chính phủ đến hết năm 2014 đã lên 1,826 triệu tỷ đồng (gần 86 tỷ USD), tăng mạnh so với 1,5 triệu tỷ đồng hồi năm 2013 và gấp đôi so với năm 2010. Với số nợ này, chỉ riêng năm 2014, chi phí trả là hơn 260.000 tỷ đồng.
Lo lắng này của Chính phủ nhận được sự chia sẻ của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội – ông Nguyễn Đức Hải. “Đúng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại đã phần nào ảnh hưởng tới các nguồn thu ngân sách và đặc biệt thu từ doanh nghiệp Nhà nước. Thu giảm trong khi chi không ngừng tăng khiến bội chi ngày càng cao”, ông Hải chia sẻ. Dẫn lại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, vị này cho hay 6 tháng đầu năm 2016, tổng thu ngân sách đạt gần 477.000 tỷ đồng.
Con số thu thấp nhưng cơ cấu thu cũng có sự thay đổi. Trong khi tiến độ thu ngân sách trung ương đạt rất thấp, chỉ khoảng 42% dự toán, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đạt 46,3%, thì thu ngân sách địa phương tăng khá so dự toán (đạt 56%) và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ gây khó khăn bị động cho việc cân đối ngân sách Trung ương.
Còn xét về tổng chi ngân sách Nhà nước, 6 tháng đầu năm đạt gần 563.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 8,2%). Trong đó, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2%; chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương) tăng 5%.
Từ phân tích của mình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách cũng thừa nhận, “bối cảnh hiện tại khó hy vọng giảm ngay được nợ công”. Vì thế, trong lúc túi tiền quốc gia đang eo hẹp, thu ngân sách giảm trong khi các khoản chi thì vẫn tăng, ông Nguyễn Đức Hải nhìn nhận, không còn cách nào khác là phải thắt chặt chi tiêu và cơ cấu lại nguồn chi.
“Phải kiên quyết tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết, chi thường xuyên và cơ cấu lại đầu tư công thì mới có thể dần dần cân bằng… Tức là phải quản lý cả thu và chi để giảm dần áp lực, giảm bội chi”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi đã đề ra mục tiêu thì Quốc hội sẽ giám sát việc này để bội chi hay nợ công không vượt qua mức trần cho phép. “Quốc hội giám sát kỹ và các thành viên Chính phủ phải ý thức rằng khi đụng đến đây thì tất cả các khoản chi phải dừng lại. Chúng ta phải mạnh mẽ như vậy trong việc quyết định mức chi ngân sách Nhà nước và tôi cũng tự tin bội chi sẽ nằm trong giới hạn và nợ công không vượt quá 65% GDP”, ông Ngân bày tỏ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng quả quyết: “Trong lúc ngân khố hạn hẹp, quan trọng nhất là phải sử dụng có hiệu quả nguồn tiền quốc gia”. Ông cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ “dốc mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất của doanh nghiệp”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì nửa cuối năm 2016, nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện.