Thu hút FDI hướng vào công nghệ cao sẽ là một trong những giải pháp để ứng phó tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung |
Cuộc chiến này theo nhiều dự báo sẽ còn leo thang, mở rộng diện đánh thuế. Tác động đến Việt Nam sẽ ở nhiều mặt, không chỉ là thương mại, và Việt Nam cần xử lý khéo, linh hoạt.
Chiến tranh thương mại sẽ còn leo thang
Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và đe dọa có thể áp thuế lên toàn bộ 500 tỷ USD.
Theo giới quan sát, khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn leo thang, mở rộng diện đánh thuế vì mục tiêu của cuộc chiến này với Mỹ không chỉ là thương mại, mà còn về chính trị, củng cố vị trí của nước Mỹ, thực hiện mục tiêu nhất quán “Nước Mỹ trước tiên” và chính sách bảo hộ thương mại của ông Donald Trump.
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là căng thẳng thương mại để Mỹ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mà còn liên quan đến cạnh tranh về công nghệ, năng lực cạnh tranh quốc gia trong 10 năm tới. Mỹ sẽ nhất quán và theo đuổi mạnh mẽ hơn mục tiêu của mình và có thể mở rộng đánh thuế, không chỉ dừng lại ở 34 tỷ USD. “Ông Donald Trump sẽ chỉ dừng lại khi Trung Quốc ngồi đàm phán về công nghệ, sở hữu trí tuệ, bảo hộ, môi trường đầu tư...”, ông Phạm Sỹ Thành nhận định.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT dự báo, khả năng Mỹ có thể mở rộng đánh thuế cao đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, còn lên mức 500 tỷ USD, tức là gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ như đe dọa thì khó xảy ra.
Việt Nam cần xử lý khéo
Ông Trần Toàn Thắng dự báo sau 3 - 5 năm, bắt đầu từ năm 2021, kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ ngấm sâu nhất tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Những nước có nền kinh tế càng mở thì chịu tác động càng lớn. Tuy nhiên, tác động tới tỷ giá có thể đến sớm hơn nhiều, cuối năm 2018 sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với tỷ giá đồng NDT và USD. Với Việt Nam, tăng trưởng GDP sẽ không có ảnh hưởng quá lớn so với tăng trưởng hiện nay. Ảnh hưởng đến FDI cũng không quá nhiều.
Ở góc độ khác, TS. Lưu Bích Hồ cảnh báo, cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây tác động domino, từ thương mại dẫn đến tiền tệ, đầu tư, chứng khoán, công nghệ và tác động này sẽ lan tỏa đến Việt Nam. Dù chưa đưa ra dự báo khi nào sẽ có tác động rõ nét đến kinh tế Việt Nam, nhưng TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, ngay từ bây giờ và nhất là năm 2019, Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ, đánh giá tác động đầy đủ để có cách xử lý khéo léo, linh hoạt. Trong đó, chính sách thu hút FDI một cách có chọn lọc, hướng vào các dự án công nghệ cao, cũng sẽ là một trong những giải pháp để ứng phó với tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi dòng đầu tư từ Trung Quốc và Mỹ sẽ có sự dịch chuyển.
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, Chính phủ phải có chiến lược rất tốt trong thu hút và lựa chọn dự án FDI. Chính sách thu hút FDI thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng để tận dụng được cơ hội và hạn chế được tác động từ sự dịch chuyển đầu tư từ Mỹ, Trung Quốc và dòng FDI toàn cầu. Nhiều nước đầu tư vào Trung Quốc và sản phẩm sau đó xuất sang Mỹ sẽ phải chuyển dịch đầu tư để tránh xuất xứ Trung Quốc, cơ hội để Việt Nam đón dòng dịch chuyển đầu tư này là có nếu biết tận dụng. Vai trò của chính quyền địa phương là rất lớn, đòi hỏi sự chọn lựa hướng vào chất lượng, công nghệ, thị trường, không chạy theo số lượng và lợi ích cá nhân.
“Cuộc chiến thương mại này sẽ tạo ra sức ép lớn để Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn về chính sách thu hút đầu tư, công nghệ, đổi mới năng lực sản xuất nếu thực sự quyết tâm thay đổi, vì sự phát triển dài hạn”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ.