Chiến dịch xâm lược đẫm máu nhất mọi thời đại của Hitler

Cuộc tấn công tổng lực vào Liên Xô khiến hàng chục triệu người thiệt mạng năm 1941 của phát xít Đức được xem là cuộc xâm lược ác liệt nhất trong lịch sử.

Trận Stalingrad đánh dấu sự thất bại của quân Đức ở mặt trận phía Đông. Ảnh:Wikipedia.

Sau khi đánh chiếm Pháp và nhận thấy việc tấn công Anh không hề dễ dàng, phát xít Đức chuyển sự chú ý trở lại mặt trận phía Đông với tham vọng thôn tính Liên Xô vào mùa xuân năm 1941. Đây được đánh giá là chiến dịch đẫm máu nhất trong lịch sử và cũng là nguyên nhân đẩy phát xít Đức vào tình cảnh diệt vong, theo National Interest.

Cuộc chiến trên bộ

Ngày 22/6/1941, lục quân và không quân Đức tràn vào biên giới Liên Xô. Cùng ngày, quân đội Romania cũng tấn công khu vực Bessarabia do Liên Xô kiểm soát. Phần Lan tham chiến sau đó một tuần, trong khi máy bay và bộ binh Hungary mãi tới đầu tháng 7 mới tham gia.

Ở thời điểm đó, lượng lớn quân Italy đang trên đường tới mặt trận phía Đông. Một sư đoàn quân tình nguyện Tây Ban Nha cũng tham gia chiến đấu.

Trong 5 tháng đầu cuộc chiến, Đức chiếm thế áp đảo, trước khi vấp phải mùa đông khắc nghiệt cùng sự chống cự kiên cường của Hồng quân Liên Xô ở ngoại ô Moscow, khiến quân Đức sa lầy và chịu thất bại nặng nề ở Stalingrad.

Kursh là trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử. Ảnh:Wikipedia.

Trận Kursk năm 1943 đặt dấu chấm hết cho tham vọng tấn công Liên Xô của Đức. Giai đoạn 1943-1945 chứng kiến đà phản công từ Liên Xô với những trận đánh phi thường khiến Đức choáng váng. Đức và Liên Xô rơi vào cuộc chiến tiêu hao sinh lực, trong đó cả hai bên đều tổn thất về vũ khí trang bị và con người. Liên Xô nhận được sự hỗ trợ của phương Tây trong khi Đức dựa vào nguồn lực ở khu vực châu Âu bị chiếm đóng.

Cuộc chiến trên không

Cuộc chiến không cho phép sử dụng lực lượng ném bom chiến lược ở cả hai phía. Liên Xô phát động không kích vào các thành phố Đức trong những ngày đầu của cuộc chiến và hứng chịu tổn thất nặng nề. Ngược lại, không quân Đức tập trung cho nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh. Đức cũng phát động tập kích đường không quy mô lớn vào các thành phố Liên Xô, nhưng không đạt được mục tiêu chiến lược.

Liên Xô có bước phát triển trong chiến tranh nhưng sự hiệu quả, đặc biệt trong chiến đấu cơ, vẫn không thể bằng Đức. Điều này diễn ra ngay cả khi ngành công nghiệp hàng không Liên Xô vượt xa Đức, cũng như các đợt ném bom hiệp đồng của quân Đồng minh kéo sự chú ý của không quân Đức về mặt trận phía Tây.

Cuộc chiến trên biển

Chiến tranh trên biển hiếm xảy ra ở mặt trận phía Đông. Tuy nhiên, Liên Xô và phe Trục vẫn giao tranh ở khu vực Bắc Cực, biển Baltic và Biển Đen trong suốt cuộc chiến.

Hải quân Liên Xô không có quá nhiều vai trò trong cuộc chiến. Ảnh:Wikipedia.

Ở phía bắc, lực lượng không quân và hải quân Liên Xô hỗ trợ biên đội tàu hộ tống phe Đồng minh đến cảng Murmansk, quấy rối các căn cứ Đức ở Na Uy. Ở Biển Đen, tàu chiến Đức và Romania giao tranh với Hạm đội Biển Đen của Liên Xô, giành được những thắng lợi quan trọng cho đến khi cục diện trên bộ đảo chiều.

Ở biển Baltic, tàu ngầm Nga và xuồng nhỏ phát động chiến tranh du kích chống Đức và Phần Lan trong ba năm đầu, dù Đức giành ưu thế hải quân mặt nước để hỗ trợ các cuộc lui binh trong năm cuối chiến tranh.

Cái giá phải trả

Thống kê sơ bộ cho thấy Liên Xô có khoảng 7 triệu quân nhân thiệt mạng trong chiến đấu, 3,6 triệu người khác chết trong trại tù binh Đức. Phía Đức mất 4 triệu quân và 370.000 tù binh thiệt mạng. Khoảng 600.000 binh sĩ từ các nước Đông Âu cũng bỏ mạng trong chiến dịch xâm lược Liên Xô của Hitler. Con số này chưa tính đến những người thiệt mạng trong cuộc chiến Đức - Ba Lan hay Nga - Phần Lan.

Người dân mắc kẹt trong vùng chiến sự bị ảnh hưởng nặng nề do chính sách chiếm đóng đáng sợ của Đức. Khoảng 15 triệu người dân Liên Xô được cho đã bị sát hại, 3 triệu người Ba Lan chết và khoảng 3 triệu người Do Thái ở Ba Lan cũng chung số phận. Phía Đức chịu thiệt hại khoảng 500.000 đến 2 triệu cư dân sau chiến tranh.

Dù còn nhiều tranh cãi về tổn thất trong cuộc chiến, rõ ràng mặt trận phía Đông vẫn là cuộc xung đột ác liệt nhất trong lịch sử loài người, đồng thời là đòn quyết định của Liên Xô nhằm vào Đức, khiến quân Đức hứng chịu thương vong nặng nhất trong Thế chiến II, chuyên gia quân sự Robert Farley nhận định.

Chuyên đề