Chỉ tiêu thống kê được tính toán trên nguồn thông tin xác thực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đang được hoàn thiện để trình Chính phủ lần 2 đưa ra mục tiêu và các giải pháp để hiện đại hóa Thống kê Việt Nam.
Việc tính toán GDP căn cứ thông tin từ điều tra tháng, quý, năm; chế độ báo cáo thống kê và nguồn thông tin từ bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Lê Tiên
Việc tính toán GDP căn cứ thông tin từ điều tra tháng, quý, năm; chế độ báo cáo thống kê và nguồn thông tin từ bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về quan điểm, mục tiêu quan trọng của Chiến lược giai đoạn mới và phương pháp tính các chỉ số thống kê để bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, những thành tựu đã đạt được và những hạn chế nào chưa được khắc phục, thưa Tổng cục trưởng?

Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau 10 năm thực hiện đã giúp môi trường pháp lý, thể chế và cơ chế điều phối các hoạt động thống kê ngày càng hoàn thiện. Thông tin thống kê kinh tế - xã hội ngày càng được công bố, phổ biến kịp thời và đầy đủ hơn, phục vụ Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành trong đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược phát triển, xây dựng chính sách và quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương, góp phần quan trọng xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương

Bà Nguyễn Thị Hương

Thống kê Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý, công bố và phổ biến thông tin thống kê; vị thế, năng lực thống kê ngày càng được cải thiện trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, Thống kê Việt Nam vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng. Kết nối, chia sẻ, cung cấp và phổ biến dữ liệu, thông tin thống kê còn nhiều bất cập. Phương pháp luận thống kê, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất thông tin thống kê chưa được xây dựng, cập nhật, hoàn thiện, áp dụng đồng bộ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn mới đang được dự thảo. Quan điểm phát triển, định hướng, mục tiêu cơ bản của Chiến lược là gì, thưa bà?

Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 vào tháng 3/2021 và đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ lần 2.

Chiến lược đang được dự thảo theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Ở một số thời điểm, có ý kiến cho rằng chỉ số GDP, CPI phản ánh chưa đúng thực tế. Xin bà cho biết chi tiết hơn về phương pháp tính các chỉ số này?

Đối với phương pháp tính tổng sản phẩm trong nước (GDP), hiện Tổng cục Thống kê thực hiện biên soạn theo phương pháp luận quốc tế của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Việc tính toán căn cứ các nguồn thông tin từ điều tra tháng, quý, năm; chế độ báo cáo thống kê và nguồn thông tin từ bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty. Đây là các nguồn thông tin có độ xác thực và có căn cứ tốt, phản ánh sát thực tình hình kinh tế đất nước.

GDP là giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm). GDP được tính theo giá hiện hành và giá so sánh với 3 phương pháp tính gồm: phương pháp sản xuất, phương pháp thu nhập, phương pháp sử dụng (chi tiêu). Đối với GDP hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm thì áp dụng đồng thời phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. Riêng phương pháp thu nhập được thực hiện 5 năm/lần khi có đầy đủ các nguồn thông tin từ các cuộc điều tra, tổng điều tra và điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành.

Chỉ tiêu GDP có 3 loại số liệu: số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức. Mỗi loại số liệu được tính toán và công bố tại các thời điểm khác nhau, có ý nghĩa và giá trị sử dụng khác nhau. Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố các loại số liệu này để bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý các cấp, các ngành theo đúng quy trình sản xuất số liệu thống kê và thông lệ quốc tế.

Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của ILO ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Chuyên đề