Việc gián đoạn hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng rất lớn tới công các khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế. Ảnh: Nhã Chi |
Vi phạm hợp đồng còn phổ biến
Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, trong năm 2022 - 2023, mặc dù đã ký kết hợp đồng cung cấp thuốc, nhưng một số nhà thầu không cung ứng hoặc gián đoạn cung ứng như: Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha, Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1, Công ty CP Dược phẩm Agimexpharm, Công ty CP Dược phẩm Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2…
Mới đây nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ra quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu và chấm dứt một phần Hợp đồng số 003/2023/VTTH6_CR với Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha vì nhà thầu vi phạm hợp đồng cung cấp sản phẩm bóng nong mạch vành áp lực cao Fluydo NC (250 cái, do hãng CID S.p.A của Italy sản xuất, đơn giá trúng thầu là 5,04 triệu đồng/cái).
Trước đó, vào tháng 4/2023, Bệnh viện Bạch Mai phạt nhà thầu Công ty TNHH Dược phẩm UNI Việt Nam hơn 74,912 triệu đồng vì vi phạm hợp đồng cung ứng 18.350 lọ thuốc Ciprobid 400mg/200ml (Ciprofloxacin, trị giá 936,4 triệu đồng) mà không có tài liệu chứng minh lý do khách quan, bất khả kháng, chưa có giải pháp đáp ứng nhu cầu điều trị.
Không chỉ ở cấp địa phương hay các cơ sở y tế riêng lẻ, những gói thầu thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng có tình trạng gián đoạn ở khâu thực thi hợp đồng. Trung tâm Mua sắm tâp trung (MSTT) thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế từng nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhà thầu trúng thầu không đủ nguồn cung theo dự trù, ảnh hưởng thực tế đến hoạt động của các cơ sở y tế, các bệnh viện.
Ông Lê Hữu Uyển, đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam chia sẻ, không chỉ cơ sở y tế công lập, các bệnh viện tư nhân sử dụng nguồn thanh toán từ Quỹ Bảo hiểm y tế cũng lo ngay ngáy về việc nhà thầu trúng thầu thuốc đấu thầu tập trung gián đoạn cung cấp cho cơ sở y tế tư nhân, hoặc ưu tiên khu vực công hơn khu vực tư.
Ngoài nguyên nhân khách quan làm đứt đơn hàng, nhiều ý kiến cho rằng, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà thầu cung ứng như: nhà thầu phá sản, vi phạm pháp luật, treo đơn hàng để siết nợ cũ…
Đề xuất chọn một tổ hợp nhà thầu trúng thầu
Để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị cho ngành y tế, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp và chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị y tế…
Theo đó, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu năm 2023 về lựa chọn nhà thầu, một trong những giải pháp được đưa ra là cho phép lựa chọn một tổ hợp nhà thầu trúng thầu trong 1 phần, hoặc 1 gói thầu không chia phần. Cụ thể, căn cứ kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu (khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ của từng nhà thầu trong thỏa thuận khung), chủ đầu tư thực hiện lựa chọn tổ hợp các nhà thầu theo thứ tự xếp hạng từ cao xuống thấp theo tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, bảo đảm tổng số lượng hàng hóa nêu trong hồ sơ mời thầu.
Đơn vị sử dụng ký hợp đồng (hoặc đơn vị MSTT ký hợp đồng) với nhà thầu theo thứ tự ưu tiên trong danh sách xếp hạng nhà thầu. Trường hợp nhà thầu xếp hạng cao hơn không đồng ý ký hợp đồng thì được ký hợp đồng với nhà thầu xếp hạng liền kề. Việc yêu cầu giao hàng toàn bộ hoặc từng phần, thông báo giao hàng được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trường hợp nhà thầu xếp hạng cao hơn từ chối cung cấp hàng hóa mà không có lý do chính đáng, không thuộc trường hợp bất khả kháng, vi phạm thỏa thuận khung, hợp đồng, thì cần xử lý vi phạm hợp đồng.
Ông Nguyễn Đại Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm MSTT thuốc quốc gia cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng giải pháp này làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, giảm tính độc quyền (nhất là trong các gói thầu đấu thầu tập trung có quy mô mua sắm lớn). Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, theo ông Hùng, Dự thảo Nghị định cần có hướng dẫn rõ ràng, chặt chẽ.
Một số chuyên gia cho rằng, Dự thảo Nghị định cũng nên bổ sung các chế tài mạnh hơn nữa để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn trong trường hợp nhà thầu đã ký thỏa thuận khung, nhưng không ký hợp đồng (trừ trường hợp bất khả kháng) và đơn vị MSTT có văn bản đề nghị, thì Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ khóa tài khoản của nhà thầu để “phạt” trong một khoảng thời gian cụ thể. Ông Lê Hữu Uyển thì cho rằng, Bộ Y tế và cơ quan chủ trì MSTT ở cấp Trung ương và địa phương cần thường xuyên chỉ đạo, giám sát và quản lý chặt hơn việc thực hiện hợp đồng sau trúng thầu.
Về phía cơ quan quản lý hoạt động đấu thầu, bên cạnh việc xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu năm 2023, lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ bổ sung nhiều tính năng, trong đó có tính năng phân tích nhà thầu. Theo đó, Hệ thống sẽ cho phép các chủ đầu tư, bên mời thầu tìm kiếm dữ liệu về nhà thầu như lịch sử dự thầu, lịch sử trúng thầu, uy tín nhà thầu..., nhằm tạo thuận lợi cho công tác đánh giá hồ sơ dự thầu.