Châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại nhiều nhất khi thương mại toàn cầu bị chia cắt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đó là nhận định vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo IMF, lãi suất toàn cầu gia tăng, xung đột Nga - Ukraine và sự giảm tốc của Trung Quốc đều đang ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực này xuống 4% vào năm 2022 và 4,3% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 5,5% trong 20 năm qua.

IMF cảnh báo, sự không chắc chắn trong chính sách thương mại cùng căng thẳng an ninh quốc gia đang tạo ra những dấu hiệu ban đầu của sự phân mảnh địa kinh tế, một xu hướng sẽ tác động đến đầu tư, việc làm, tăng trưởng và lạm phát.

“Khi chúng ta nói về những thay đổi đến từ bấp bênh thương mại gia tăng và từ việc có thêm những biện pháp hạn chế, rốt cục có thể sẽ là sự phân tán của thương mại và thế giới trở nên bị chia cắt. Châu Á đang đối mặt với khả năng hứng chịu nhiều thiệt hại vì khu vực này là một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong một thế giới bị phân tán, châu Á có nguy cơ mất mát nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác”, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF Krishna Srinivasan cho biết.

Vạch ra một loạt các kịch bản về mức độ phân mảnh có thể ảnh hưởng đến châu Á, IMF đã chia thế giới thành các khối theo đường lối của cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2022 khi yêu cầu Nga chấm dứt xung đột với Ukraine. Dựa trên phân tích đó, IMF nhận thấy những tổn thất liên quan đến thương mại sẽ trở nên đáng kể trong một thế giới bị chia thành hai khối hạn chế thương mại với các quốc gia trong nhóm còn lại.

Trong kịch bản như vậy, thiệt hại hàng năm liên quan đến thương mại ước tính khoảng 1,5% sản lượng toàn cầu, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức thiệt hại trên 3%.

Châu Á từ lâu đã trở thành công xưởng của thế giới do sự thống trị của ngành sản xuất và thương mại, với ước tính sản lượng giá trị gia tăng từ khu vực này đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của Bắc Mỹ và 35% nhu cầu của châu Âu vào năm 2018, tăng từ 41% và 28% vào năm 2000. Khu vực này chiếm gần 50% nhu cầu toàn cầu về các mặt hàng chính như nhiên liệu khoáng sản và khoáng chất chuyển tiếp xanh.

Sự phân tán tài chính cũng là một mối đe dọa đối với khu vực. Dữ liệu trong báo cáo của IMF cho thấy, tổng dự trữ tài sản và nợ xuyên biên giới của các nền kinh tế tiên tiến châu Á đã tăng lên hơn 500% GDP vào năm 2020. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển của khu vực đã chứng kiến ​​sự gia tăng tỷ lệ nắm giữ xuyên biên giới từ 25% GDP năm 1990 lên 110% GDP năm 2020.

Chuyên đề