Chắt chiu từng đồng vốn cho tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ quan điểm về diễn biến thị trường tiền tệ trong năm qua, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sau một năm phải “gồng mình” chống đỡ với nhiều áp lực từ diễn biến kinh tế - tài chính thế giới, thị trường tiền tệ trong nước đã có thể “thở phào” với mức biến động ổn định của tỷ giá, lãi suất, lạm phát, dòng tiền được cung ứng đầy đủ và kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2025, chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 15% cũng có nghĩa là một lượng vốn tín dụng rất lớn, ước tính hơn 17 triệu tỷ đồng sẽ đổ vào nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2025, chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 15% cũng có nghĩa là một lượng vốn tín dụng rất lớn, ước tính hơn 17 triệu tỷ đồng sẽ đổ vào nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, điều còn băn khoăn là nợ xấu vẫn ở mức cao và quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn chậm, kỳ vọng sẽ được giải quyết đáng kể trong năm mới.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Thị trường tiền tệ năm qua chứng kiến sự kiên định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giữ ổn định lãi suất điều hành, trong khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất. Theo ông, đó có phải là chính sách phù hợp và hiệu quả?

Đó là chính sách phù hợp và thực sự đã mang lại hiệu quả trong năm qua khi phải đối mặt với căng thẳng giữa tỷ giá và lãi suất. Trong năm qua, đà tăng tỷ giá USD/VND có lúc chạm mức 5% so với đầu năm song lãi suất vẫn kiên định ở mức thấp. Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2024, NHNN phải làm nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tỷ giá chịu áp lực tăng cao, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này. Lãi suất bình quân liên ngân hàng VND qua đêm có lúc lên mức 6,2%/năm, cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay. Kể từ đầu tháng 10/2024, NHNN cùng lúc phải áp dụng linh hoạt các công cụ điều hành thanh khoản để giải quyết vấn đề ổn định tỷ giá thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu, đồng thời bảo đảm thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh hoạt động thị trường mở.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1% so với cuối năm 2023 là một thành quả không dễ dàng.

NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài, đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường. Đến cuối tháng 12, tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 4% là mức phù hợp.

Bên cạnh tỷ giá và lãi suất, hệ thống ngân hàng năm 2024 chứng kiến chuyển động đã được trông đợi từ lâu về việc chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng. Theo ông, bước đi này có chậm quá không?

Đúng là bước tiến được trông đợi từ lâu bởi việc mua lại các ngân hàng 0 đồng đã được tiến hành từ gần 10 năm trước, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cũng đã được đặt ra từ thời điểm đó, song phải đến sự kiện chính thức chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng - CBBank được chuyển giao cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank; Ngân hàng Đại dương - OceanBank được chuyển giao cho Ngân hàng Quân đội - MBBank) ngày 17/10/2024 mới ghi nhận kết quả rõ rệt, mở ra kỳ vọng về một chặng đường tăng tốc của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Thông thường, một ngân hàng đang phát triển tốt không muốn nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém bởi lợi ích nhận được chưa rõ ràng, trong khi sự phức tạp và rủi ro của công tác quản trị thì được nhận diện rõ. Đây là một trong các lý do khiến phải mất 9 năm mới hoàn tất định giá từ lúc NHNN mua lại các ngân hàng 0 đồng, riêng quá trình định giá mất đến 2 năm.

Hiện vẫn còn 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm 1 ngân hàng 0 đồng (GPBank), 2 ngân hàng yếu kém là Ngân hàng DongABank và Ngân hàng SCB đang chờ tái cơ cấu.

Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng phải khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại và sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và nỗ lực từ hệ thống ngân hàng, hy vọng quá trình chuyển giao và xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Một vấn đề đang nổi lên trong hoạt động của ngành ngân hàng là xu hướng nợ xấu tăng nhanh, lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Theo ông, vấn đề này có thể được giải quyết trong năm 2025 hay không?

Nợ xấu là vấn đề “day dứt” trong nhiều năm qua, đặc biệt khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên trên 4,55% trong năm 2024, mức cao nhất trong 9 năm gần đây. Nợ xấu tăng cao có nhiều nguyên nhân, đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc khó trả nợ. Thống đốc nêu rõ một số giải pháp đã được ngành ngân hàng áp dụng để giải quyết tình trạng này. Đối với các TCTD, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Đối với nợ xấu hiện hữu, NHNN yêu cầu các TCTD tích cực xử lý thông qua đôn đốc chủ thể đi vay trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu.

Với những giải pháp kiểm soát chặt tay và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, tôi tin là nợ xấu đã đạt đỉnh và đang đi ngang trong những tháng cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu có thể kỳ vọng giảm dần trong năm 2025 bởi nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới. Mặt khác, có thể kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ giữa năm 2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của chủ thể đi vay phục hồi.

Ông đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 và con số mục tiêu 15% của năm 2025?

Điều tiết lượng vốn tín dụng ra nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động của cơ quan điều hành, đảm bảo cung ứng đủ vốn để hỗ trợ tăng trưởng song vẫn phải kiểm soát chất lượng tín dụng để tránh rủi ro nợ xấu. Những năm gần đây, NHNN điều tiết hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa vào năng lực cấp vốn của từng TCTD và điều chỉnh theo tình hình thực tế. Do đó, có thể thấy nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên 16% và ngược lại, có ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 3% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy nguồn vốn đi vào những lĩnh vực trọng tâm, NHNN yêu cầu các TCTD cấp gói vay ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ cơ cấu lại nợ, chưa chuyển nhóm nợ đối với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Năm 2025, chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 15% cũng có nghĩa là một lượng vốn tín dụng rất lớn, ước tính hơn 17 triệu tỷ đồng sẽ đổ vào nền kinh tế. Trong khi đó, thúc đẩy giải ngân vốn tín dụng vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là nợ xấu tăng cao, điều kiện tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân vẫn khó khăn do năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp còn kém, lãi suất cho vay vẫn cao mà khả năng giảm lãi suất không dễ. Dù vậy, đây là chỉ tiêu mang tính định hướng và có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế của nền kinh tế cũng như thị trường tiền tệ. Trong đó, cần chú ý rủi ro lạm phát quay trở lại sau một thời gian thị trường hấp thụ dòng vốn giá rẻ khá lớn. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế mới, theo tôi, cần hơn hết là kiểm soát chặt dòng vốn để chắt chiu từng đồng cho sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư