Chi đầu tư phát triển trong cơ cấu chi ngân sách tăng chậm. Ảnh: Lê Tiên |
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Nhiều hạn chế chậm khắc phục trong chi ngân sách
Theo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016, tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN năm 2002. Tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi NSNN gồm vay trong nước 197.165 tỷ đồng; vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng.
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình về quyết toán NSNN năm 2016 và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Báo cáo đã điểm lại một số tồn tại, hạn chế trong chi tiêu công mà Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khắc phục.
Điển hình là chi đầu tư, có ý kiến nhận xét, phân bổ vốn đầu tư còn bất cập, bố trí vốn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, chậm quyết toán đối với dự án hoàn thành, quản lý vốn ODA còn bất cập. Báo cáo về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, đây là các tồn tại diễn ra trong nhiều năm, mặc dù Chính phủ đã tích cực triển khai các giải pháp chỉ đạo xử lý nhưng các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư vẫn tiếp diễn.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng chi NSNN sai chế độ, định mức, không đúng mục đích, một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán... làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN; cơ cấu chi NSNN chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn còn cao, chi đầu tư tăng chậm…
Xử lý nghiêm đối tượng vi phạm
Đầu tiên là tiến hành công khai quyết toán NSNN năm 2016 theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nghiên cứu, thực hiện các đề xuất được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1024/BC-UBTCNS14 ngày 18/5/2018 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về quyết toán NSNN năm 2016.
Thứ ba, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương rà soát, phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn NSNN đã hoàn thành, đồng thời có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công hoàn thành mà chậm phê duyệt quyết toán.
Thứ tư, hướng dẫn, kiểm tra hội đồng nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về phê chuẩn báo cáo quyết toán NSNN của cấp mình theo quy định của Luật NSNN năm 2015.
Cuối cùng là kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và báo cáo cụ thể với Quốc hội về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN năm 2016 khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017.
Để giám sát thực hiện, Quốc hội giao UBTVQH, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện nghị quyết này.