Chậm trễ di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội thành

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Vụ cháy kho hóa chất Đức Giang tại quận Long Biên (Hà Nội) mới đây, hay đặc biệt là vụ cháy nổ tại Công ty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) vào năm 2019 dẫn đến phát tán thủy ngân ra môi trường cho thấy rủi ro luôn rình rập nếu những nhà máy gây ô nhiễm không sớm được di dời khỏi các khu đông dân cư. Bên cạnh đó, dư luận cũng rất quan tâm đến việc chậm trễ thực hiện chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi nội đô.

Nhà máy Công ty Thuốc lá Thăng Long được duyệt chủ trương di dời từ 9 năm trước nhưng việc di dời Nhà máy diễn ra hết sức chậm. Ảnh: Lê Tiên
Nhà máy Công ty Thuốc lá Thăng Long được duyệt chủ trương di dời từ 9 năm trước nhưng việc di dời Nhà máy diễn ra hết sức chậm. Ảnh: Lê Tiên

Chậm chạp di dời

Trước nguy cơ ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ các nhà máy trong nội thành, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành đã được đặt ra từ năm 2008.

Để thực hiện chủ trương nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1619/QÐ-UBND nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị vào tháng 4/2015.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch, trong khi đó, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên đáng báo động ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM. Đáng báo động hơn là rủi ro về tính mạng và sức khỏe người dân. Điển hình là hậu quả rò rỉ thủy ngân gây độc hại đối với sức khỏe người dân từ vụ cháy Nhà máy bóng đèn - Phích nước Rạng Đông vào tháng 8/2019 ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong một báo cáo của UBND TP. Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6/2019, trên địa bàn có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, vẫn còn 113 cơ sở chưa thể di dời, có thể kể đến như Nhà máy Bia Hà Nội (đường Hoàng Hoa Thám), Công ty Thuốc lá Thăng Long (đường Nguyễn Trãi), Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp)…

Đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Có thể nói, di dời các nhà máy khỏi khu dân cư để mở rộng không gian xanh dù đã được thành phố Hà Nội ra quyết định từ nhiều năm trước nhưng hiện đang diễn ra chậm chạp, chưa có khu đất nào được xanh hóa.

Những cơ sở này đều được xây dựng cách đây vài chục năm, nằm sát khu dân cư nên mỗi khi hoạt động gây ra tiếng ồn, khói bụi. Người dân sống ở khu vực đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, Thanh Xuân - nơi hoạt động của nhiều nhà máy của các đơn vị như Công ty CP Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long cho biết, hàng ngày khi nhà máy hoạt động gây ra mùi khó chịu trong không khí.

Nhà máy Công ty Thuốc lá Thăng Long đã được duyệt chủ trương di dời từ 9 năm trước. Theo quyết định được duyệt, Công ty có thể sử dụng số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất để dời nhà máy ra Khu công nghiệp Quốc Oai và hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong công tác di dời theo lý giải của doanh nghiệp là do công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn chưa hoàn tất nên chương trình di dời Nhà máy chưa có ngân sách.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội khóa XV cho biết, tâm lý các cơ sở ngại di dời vì người lao động ngại đi xa; năng lực tài chính của các đơn vị để đảm bảo sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời.

Cơ hội mở rộng không gian công cộng

Một vấn đề khác đáng quan tâm là việc sử dụng các khu đất sau khi thực hiện di dời. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều nhà máy thực hiện di dời thường bắt tay với một đối tác có tiềm lực kinh tế để khai thác khu đất sau khi di dời thành các dự án bất động sản nhằm thu lời sau di dời.

Khảo sát được Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) thực hiện tại 39 nhà máy thuộc diện di dời ghi trong danh sách kèm theo Công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội ở quận Hai Bà Trưng và quận Thanh Xuân cho thấy, mới có 21/39 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong số 21 nhà máy đã di dời thì có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư thương mại hoặc biệt thự liền kề. Chỉ có hai nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác: đường trên cao và đại học tư nhân.

Cũng theo khảo sát này, đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Có thể nói, di dời các nhà máy khỏi khu dân cư để mở rộng không gian xanh dù đã được thành phố Hà Nội ra quyết định từ nhiều năm trước nhưng hiện đang diễn ra chậm chạp, chưa có khu đất nào được xanh hóa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư