Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Không thể trì hoãn
Đây cũng chính là thực tế như thừa nhận của TS. Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Việc trì hoãn tiến trình cổ phần hóa, lặp đi lặp lại có thể làm giảm sự hào hứng của các nhà đầu tư. “Đã một năm tròn kể từ khi nói về lộ trình bán hết vốn nhà nước tại 10 DN lớn do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ. Quyết tâm cũng rất mạnh nhưng vẫn chưa bán được. Thế thì cần phải tính toán, với tính kiên định của Chính phủ, tôi tin rằng sẽ thực hiện được, bởi vì không có con đường nào khác” - ông Muôn chia sẻ.
Trong 9 tháng đầu 2016, chỉ có 49 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 49 DN này là 31.938 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 23.289 tỷ đồng.
Ông Phạm Viết Muôn cho biết, thời ông còn làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN của Chính phủ, khi đó đã phê duyệt cổ phần hoá hầu hết các DNNN, chỉ giữ lại còn khoảng 400 DNNN (chủ yếu là ngành mũi nhọn thuộc an ninh quốc phòng). Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước tại các DN lớn thực tế còn phụ thuộc rất nhiều thứ, dù muốn bán nhưng thị trường lại chưa đáp ứng như mong mỏi của mình. Điều này có thể ví von như chuyện đem gà ra chợ bán nhưng chưa được giá thì đem về nuôi tiếp, hôm sau lại mang ra.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải sớm bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và đối với 9 DN khác có phần vốn sở hữu của SCIC. Riêng Vinamilk, phải tiến hành thoái vốn trong năm 2016, 9 DN còn lại có phần vốn của SCIC phải lên kế hoạch thực hiện trong năm nay và năm sau.
Kỳ vọng đấu giá
Tổng giá trị vốn hóa của SCIC tại 10 DN được yêu cầu thoái vốn hiện khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn hóa của riêng Vinamilk chiếm tới 90%. Trong năm nay, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn đợt 1 tại DN này (bán 9% cổ phần).
Trao đổi xoay quanh vấn đề bán 9% vốn nhà nước tại Vinamilk, TS. Phạm Viết Muôn cho rằng, khi đã bán tiếp có nghĩa là phải bán công khai, minh bạch, có đấu giá thì ai cũng có thể tiếp cận, ai cũng có thể bỏ giá và ai cũng có cơ hội trúng.
Theo lời ông Muôn, khi bán vốn nhà nước tại Vinamilk, chúng ta mong muốn có được những nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm quản lý, có thị trường, có điều kiện tài chính. Chính phủ cũng đã ban hành quy định bán theo lô. Có thể chia ra 3 - 4 lô, mỗi lô 2 - 3% cũng rất nhiều tiền (khoảng 300 triệu USD). Còn 10% thì chí ít từ một đến vài tỷ USD. Muốn có thì phải đấu giá cả, sẽ có những nhà đầu tư lớn nhảy vào, tuỳ theo cách thức của Chính phủ quyết định để bán cổ phần.
Trước băn khoăn nên bán cho một nhà đầu tư nước ngoài hay bán cho một DN trong nước để giữ thương hiệu Vinamilk, ông Muôn cho rằng, không có ai lại bán duy nhất cho một nhà đầu tư cả. Bây giờ đã đấu giá công khai, ý kiến của các chuyên gia thì nhiều lắm, nhưng khi bán cổ phần thì phải theo quy định của pháp luật. Mục đích của Vinamilk hay Sabeco, Habeco là phải phát triển, là công ty đại chúng, quyết định thành bại vẫn nằm ở các cổ đông lớn.