Dara Khosrowshahi là người nhập cư từ Iran. Ảnh:Tech Genez |
"Tôi cực kỳ may mắn vì đã di cư đến Mỹ tại thời điểm Mỹ chào đón tôi", Khosrowshahi cho biết trong một hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh tại New Delhi (Ấn Độ). Ông đã từ Iran chuyển tới đây năm 9 tuổi.
"Giấc mơ Mỹ là thương hiệu khó tin nhất trên thế giới. Ai cũng biết nó nghĩa là gì", ông cho biết, "Tôi sợ rằng với thái độ hiện tại của chính quyền về nhập cư, thương hiệu tuyệt vời đó đang bị hủy hoại".
Trước đó, Khosrowshahi từng chỉ trích quan điểm của ông Trump về nhập cư. Trong ngày tổng thống nhậm chức, Khosrowshahi khi đó vẫn là CEO Expedia, ông đã đăng một quảng cáo lên Twitter về tầm quan trọng của các chuyến du lịch nhằm đẩy lùi sự "thiển cận" và "định kiến". Expedia cũng là một trong những công ty công nghệ đầu tiên nộp đơn phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ về việc hạn chế nhập cảnh với người dân từ một số nước Hồi giáo lớn đầu năm ngoái.
Khosrowshahi đã điều hành hãng dịch vụ lữ hành trực tuyến Expedia 12 năm trước khi được chọn dẫn dắt Uber từ tháng 8/2017. Trước đó, ông làm việc tại IAC và làm nhân viên ngân hàng đầu tư cho Allen & Company..
Dù vậy, ông cho rằng sau này, các nước đều sẽ biết làm điều gì là đúng đắn. "Nếu nước Mỹ biết rằng đâu là điều tốt trong dài hạn, từ quan điểm của một nước dân chủ, từ quan điểm trọng kỹ năng, họ sẽ làm điều đúng đắn. Điều đó có nghĩa họ sẽ trở thành quốc gia chào đón tất cả những người muốn đến. Tôi không cho rằng các nước có thể tiến lên bằng cách đóng cửa".
Khi được hỏi về động thái của Chính phủ Mỹ tuần này, khi siết loại visa H-1B đã giúp hàng nghìn kỹ sư Ấn Độ tới Thung lũng Silicon, Khosrowshahi cho rằng nhân lực công nghệ là một trong những yếu tố chính giúp Ấn Độ tăng trưởng. Vì thế, Mỹ nên chào đón nhân tài.
Ấn Độ hiện là một trong những thị trường quốc tế chủ chốt của Uber, sau khi phải từ bỏ Trung Quốc năm 2016. Dù vậy, họ đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Ola - công ty địa phương đã hiện diện tại 110 thành phố ở Ấn Độ. Con số này của Uber chỉ là 29.