Báo chí là kênh thông tin phản ánh những khó khăn, vướng mắc nhà thầu, nhà đầu tư gặp phải trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh tới các cơ quan chức năng. Ảnh: Tường Lâm |
Đề cập về việc hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) liên tục nhắc đến vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí.
“Với vai trò là kênh thông tin chính thống, báo chí đã phát hiện, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN một cách nhanh chóng, chính xác. “Cầu nối” này đã kết nối DN với các cơ quan chức năng để chung tay tháo gỡ, hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng DN”, bà Thảo nhận xét.
Chỉ riêng trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, báo chí liên tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN trong lưu thông hàng hóa, di chuyển người lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng do các quy định thiếu thống nhất trong phòng, chống dịch tại nhiều địa phương… Từ đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc kịp thời gỡ khó cho DN. Những chính sách, quy định về phòng, chống dịch bất hợp lý được bãi bỏ hoặc điều chỉnh phù hợp, linh hoạt để thực hiện mục tiêu kép.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, thông tin từ báo chí lại càng quan trọng trong việc hỗ trợ các cơ quan soạn thảo, thực thi nhận diện, đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2022, dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế đất nước đã phục hồi ấn tượng, sản xuất công nghiệp tăng trưởng, DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường lập kỷ lục…
Trong hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, bà Thảo khẳng định, báo chí có sự đóng góp lớn. Những phát hiện của cơ quan nghiên cứu và bức xúc của DN về rào cản đối với hoạt động kinh doanh đã được báo chí phản ánh. Từ đó, hàng nghìn điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… không cần thiết, không hợp lý đã được bãi bỏ, cắt giảm. Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục tăng hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu.
Đặc biệt, liên quan đến hoạt động đấu thầu, thời gian qua, Báo Đấu thầu luôn đồng hành, theo sát phản ánh thực trạng, khó khăn và những vướng mắc về cơ chế, chính sách, giúp đưa tiếng nói của DN là nhà thầu, nhà đầu tư đến các cơ quan chức năng.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình trạng bão giá nguyên vật liệu đã gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nhà thầu… Đồng hành, chia sẻ với nhà thầu, Báo Đấu thầu đã ra mắt chuyên mục “Gỡ khó nhà thầu” chuyển tải phản ánh, kiến nghị của nhà thầu liên quan đến sản xuất, kinh doanh, nhất là những khó khăn trong hoạt động đấu thầu, đầu tư với tần suất chuyên mục 3 số/tuần.
Những phát hiện của cơ quan nghiên cứu và bức xúc của DN về rào cản đối với hoạt động kinh doanh đã được báo chí phản ánh. Từ đó, hàng nghìn điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… không cần thiết, không hợp lý đã được bãi bỏ, cắt giảm. Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục tăng hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu.
Sau gần 1 năm ra mắt, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đánh giá, chuyên mục “Gỡ khó nhà thầu” rất cần thiết, tạo một kênh thông tin tập trung những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc các nhà thầu, nhà đầu tư gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh nhằm truyền tải tới các cơ quan chức năng. Như vậy, Chuyên mục không đơn thuần nêu lên vấn đề của DN mà còn là nơi DN gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.
Nhận định về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của cộng đồng DN cũng như sự phát triển của đất nước thời gian tới, nhiều nhà thầu nhấn mạnh, báo chí sẽ tiếp tục là một kênh thông tin quan trọng, là người bạn đồng hành, cầu nối DN với các cơ quan chức năng. Bởi báo chí không chỉ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là tiếng nói của công luận, góp phần thúc đẩy sự minh bạch hóa, tính dân chủ trong xã hội.
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, trong lĩnh vực kinh tế, thông tin báo chí còn chứa đựng nhiều cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh mà các DN nếu nhanh nhạy thì hoàn toàn có thể tranh thủ tận dụng để phát triển vươn lên; hoặc những thông tin mang tính cảnh báo để các DN cân nhắc trước khi ra những quyết định quan trọng trong quá trình đầu tư…
Để nâng cao hơn nữa vai trò “cầu nối” của báo chí, bà Thảo cho rằng, trong thời gian tới còn nhiều vấn đề cần được cải thiện cũng như cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan liên quan trong nỗ lực chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
Theo bà Thảo, với những khó khăn, vướng mắc của DN, báo chí cần truyền thông một cách liên tục, có tính đeo bám, phản ánh đến cùng vấn đề nhằm tạo làn sóng thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của nhiều đơn vị chức năng tháo gỡ khó khăn cho DN. Việc thông tin của báo chí về một vấn đề kinh tế không nên theo kiểu “ném đá ao bèo” sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Lãnh đạo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, với vị thế của một tờ báo đặc thù và đi đầu trong lĩnh vực đấu thầu, thời gian tới, Báo Đấu thầu cần gia tăng các tuyến nội dung đa chiều, chuyên sâu hơn nữa liên quan đến hoạt động đấu thầu từ thực tế quá trình thực thi, vấn đề của chính sách, quy định mới về đấu thầu… nhằm đưa ra góc nhìn bao quát, giải pháp, khuyến nghị để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Khẳng định dòng chảy thông tin đấu thầu trên Báo Đấu thầu không ngừng được cải thiện suốt thời gian qua đã có tác động tích cực, song một DN sản xuất thang máy trong nước cho rằng, dòng chảy thông tin này cần tiếp tục mạnh mẽ, phong phú hơn nữa. Đó là ngoài việc tiếp tục thông tin về những chủ đầu tư, bên mời thầu cũng như nhà thầu có cách làm hay trong đấu thầu thì cần lên án những hành vi vi phạm trong đấu thầu…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều DN lo ngại khi những thông tin báo chí phản ánh gần đây chưa thực sự được chính những cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý. Ở đâu đó, sự lắng nghe và vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN còn chậm trễ, làm DN nản lòng. Vì vậy, DN mong mỏi, ngoài sự vào cuộc của báo chí, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy sự phát triển của DN.