Câu chuyện tác nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những thú vị nhất của nghề báo là được gặp nhiều người với nhiều câu chuyện khác nhau, giúp thêm vốn sống, kiến thức thực tiễn, và đôi khi cả những nỗi buồn vì sự bất lực của ngòi bút...
Đại dịch Covid-19 bùng phát buộc hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên phải thích ứng, thay đổi từng ngày. Ảnh: Tuyết Mai
Đại dịch Covid-19 bùng phát buộc hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên phải thích ứng, thay đổi từng ngày. Ảnh: Tuyết Mai

“Sốt ruột” cùng nhà thầu khi giá thép tăng đột biến

Đến thời điểm này, với nhiều năm cầm bút phản ánh về tình hình thị trường, giá cả các loại vật liệu xây dựng, tôi thực sự lo lắng về tình hình “sức khỏe” của các nhà thầu xây dựng Việt Nam trước tình hình giá thép xây dựng tăng phi mã như thời điểm vừa qua.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá thép xây dựng trong nước nửa đầu năm nay, đặc biệt là từ tháng 4/2021 đến nay tăng mạnh.

Tâm sự với phóng viên, lãnh đạo các nhà thầu xây dựng, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đều tỏ ra lo lắng khi cho biết, giá thép tăng cao tác động tiêu cực đối với hoạt động của các nhà thầu. Nguy cơ phá sản của các nhà thầu ngày càng hiện hữu khi đà tăng giá này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sốt ruột cùng nhà thầu, với suy nghĩ là một phóng viên chuyên trách lĩnh vực thị trường, thời gian qua, tôi đã triển khai nhiều bài viết liên quan đến chủ đề này với hy vọng góp tiếng nói của mình hỗ trợ nhà thầu xây dựng vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Bởi những người cầm bút hiểu rằng, DN là một trong những “trụ đỡ”, “động lực” quan trọng của nền kinh tế. “Sức khỏe” của DN bị ảnh hưởng thì đồng nghĩa với “sức khỏe” của nền kinh tế cũng bị tác động, điều này có thể gây bất lợi trong việc nắm bắt được các cơ hội đang mở ra.

Và tin vui với những người cầm bút như chúng tôi là đến thời điểm này, sau hàng loạt những bài viết phản ánh về tình trạng giá thép tăng đột biến, bất thường thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm chặn đà tăng giá thép, hỗ trợ nhà thầu vượt qua khó khăn.

Hy vọng rằng, cùng với những giải pháp phù hợp của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các DN, các nhà thầu xây dựng Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này để phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Trung Hiếu

Lần đầu phỏng vấn... không biết mặt

Trung tuần tháng 5/2021, khi TP.HCM chưa bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, dù đã xuất hiện một số ca lẻ tại TP. Thủ Đức, Quận 3, tôi đang có chuyến công tác tại tỉnh Long An. Dù đã lên kế hoạch trước đó 1 tuần, tình trạng sức khỏe tốt, không có các triệu chứng nhiễm bệnh, thời điểm tôi có mặt tại trụ sở cơ quan cần liên hệ, thân nhiệt tự nhiên lên tới 37,1 độ C. Bác bảo vệ lo lắng: “Cô có đang ốm hay gì không? Cô đi từ TP.HCM, mà vùng đó tôi thấy đã xuất hiện 3 ca nhiễm Covid-19 rồi”.

Bác nói tôi ngồi... chờ xem nhiệt độ có hạ không. Thực sự, tại thời điểm đó, bản thân tôi cũng không hiểu tại sao nhiệt độ lại tăng như vậy. Cũng có thể do ảnh hưởng của cuốc xe khách chật chội từ TP.HCM về TP. Tân An.

Ngồi 30 phút ngoài cổng, bác bảo vệ chạy đi báo cáo với lãnh đạo về trường hợp của tôi để xin ý kiến. Bản thân tôi lúc đó chỉ nghĩ “Hay có lẽ về lại TP.HCM? Dù mất công hẹn lịch làm việc, đi lại, nhưng lỡ có vấn đề gì thì rất phức tạp”. Đang bấm điện thoại để xin phép lùi cuộc phỏng vấn sang thời điểm thích hợp thì lãnh đạo đơn vị đã quyết định gặp và trao đổi thông tin như kế hoạch ban đầu.

Lần đầu tiên đi tác nghiệp thực tế tại địa bàn mà tôi gặp tình huống như vậy. Trong phòng làm việc 30 m2, chỉ có phóng viên, hai đại diện chủ đầu tư nhưng mỗi người ngồi cách nhau đúng 5 m. Máy ghi âm đặt ở trên bàn làm việc của chủ đầu tư, phóng viên ngồi ghế xa nhất tại phòng khách. Nhân viên giúp việc kê ghế sát góc tường gần cửa để tiện đi lại, lấy tài liệu. Và tất cả đều đeo khẩu trang.

Vì ngồi xa, phải hỏi to, không có loa lại vướng khẩu trang, đòi hỏi sự tập trung cao độ của cả hai bên. Thật may mắn, sự hợp tác của đại diện chủ đầu tư đã hỗ trợ quá trình tác nghiệp của tôi rất nhiều. Cuộc gặp không bắt tay, không được lại gần quá 5 m, và đặc biệt, gần như phóng viên chỉ tiếp xúc với... chiếc ghế ngồi. Còn lại, vì để đảm bảo an toàn phòng dịch, phóng viên không tiếp xúc gần với bất kỳ đồ dùng nào tại đó, kể cả mặt bàn. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời phóng viên, đi phỏng vấn nhưng lại không rõ mặt người được phỏng vấn.

Hải An

Gặp nhà đầu tư để nghe... kể khổ

"D à, ông ... Giám đốc Công ty PĐ ra Hà Nội xử lý việc liên quan dự án BT của họ ở trong này. Em gặp ông ấy sẽ có nhiều chuyện hay đấy", một cán bộ từng công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư gọi cho tôi. Vị cán bộ này từng bị tôi bám riết nhiều năm để được tham vấn chuyên môn về dự án BT, vẫn hay nói với các nhà đầu tư rằng: "Cô phóng viên này cứ nghe thấy BT là sáng mắt".

Chuyện hay về dự án BT đương nhiên tôi muốn nghe.

Tôi gặp vị giám đốc tại một quán cà phê quen gần cơ quan. Buổi chiều không gian khá yên tĩnh, khách xung quanh hầu hết đang lặng lẽ làm việc.

Sau lời chào, ông bắt đầu kể về dự án. Như một khối kìm nén chồng chất, ông nói rất to với những ngôn từ đầy phẫn uất, thậm chí cả văng tục.

"10 năm chỉ tập trung cho 1 dự án, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, vay hết tiền của anh em trong nhà dồn vào đó, làm xong công trình rồi không ai chịu nghiệm thu, ai cũng sợ trách nhiệm, không được bố trí quỹ đất hoàn vốn. Sai đâu sửa đó, chứ giờ trăm dâu đổ đầu nhà đầu tư hết. Tiền của mình mình đã đành, là tiền của cả gia đình, anh em, bạn bè thân thiết...". Ông lúc này không thể kìm nén được bức xúc.

Xung quanh mọi người bắt đầu nhìn tôi đầy ái ngại. Vốn dĩ tôi luôn có những chuẩn mực trong ngôn ngữ giao tiếp, nên như thường ngày, sẽ dừng hay chuyển hướng cuộc nói chuyện, nhưng nhìn ông tôi đã chọn lắng nghe.

Sau một hồi, ông xin lỗi, tôi nói không sao vì tôi đã được nghe sự thật. Quán vẫn có những ánh mắt nhìn tôi.

Vài năm trở lại đây, khi thời kỳ đầu tư cũ được đánh giá lại, được mổ xẻ trên nhiều diễn đàn, nóng rẫy trên truyền thông, thì nhiều địa phương dường như chùn tay không dám giải quyết những hợp đồng đã ký từ nhiệm kỳ trước. Vì thế, những câu chuyện như của nhà đầu tư trên trong mấy năm nay tôi được nghe thường xuyên hơn. Rất nhiều cuộc nói chuyện dài cả tiếng không kể hết khó khăn và tất cả đều đầy ức chế, bế tắc với câu kết là thề không bao giờ làm dự án kiểu này, với tỉnh này... nữa. Có lẽ đây sẽ là một giai đoạn đáng nhớ với nhiều nhà đầu tư và cả với tôi - một phóng viên hơn 10 năm theo dõi về BOT, BT.

Một trong những thú vị nhất của nghề báo là được gặp nhiều người với nhiều câu chuyện khác nhau, giúp tôi thêm vốn sống, kiến thức thực tiễn, và đôi khi cả những nỗi buồn vì sự bất lực của ngòi bút.

Nguyệt Minh

Tôi đi tác nghiệp mùa Covid

Có lẽ đến bây giờ, ai trong chúng ta cũng thấm thía và đủ trải nghiệm về những thay đổi mà Covid-19 đã tác động lên cuộc sống. Giờ đây, cách thức tác nghiệp của nhà báo, phóng viên cũng phải biến đổi, thích ứng nhanh như cách mà con virus corona biến chủng từng ngày.

Trước đây, để thực hiện các đề tài, phóng viên thường liên hệ chuyên gia, đến hiện trường tác nghiệp, gặp các bên liên quan để tìm kiếm và trao đổi thông tin. Nhưng giờ đây, việc gặp mặt trực tiếp đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong lần tác nghiệp để tìm hiểu về quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, khi tới một số cơ quan, phóng viên cầm giấy giới thiệu đến liên hệ gặp mặt, với mong muốn được hỏi cặn kẽ nội dung. Thế nhưng, mọi việc không còn thuận lợi như trước. Mọi kế hoạch, câu hỏi trong đầu tan biến theo từng khâu của quy trình “kiểm soát Covid”.

Phóng viên đã mất hàng giờ đứng trong một khuôn viên cạnh phòng bảo vệ đã được chăng dây làm nơi tiếp khách của một cơ quan. Khai báo y tế, kiểm tra thông tin, sát khuẩn…, làm hết từng ấy thủ tục chỉ để cán bộ của cơ quan ra đưa giấy giới thiệu và “đi về”. Cuộc trao đổi sau đó phải thực hiện qua hình thức công văn. Và như vậy, tính báo chí, thời sự của thông tin đã giảm đi nhiều phần.

Tác nghiệp trong mùa dịch Covid, rất khó để cho đối tượng phỏng vấn có thể xác minh được người trao đổi có phải là phóng viên thực thụ của tờ báo mà họ giới thiệu hay không. Trước những lo ngại như vậy, dù được “tạo điều kiện” trao đổi qua điện thoại nhưng tôi vẫn phải chứng minh mình là phóng viên bằng cách gửi thẻ nhà báo, giấy giới thiệu, nội dung làm việc trước qua email, Zalo, Viber…

Việc tham gia trực tiếp các sự kiện, hội thảo cũng thật “xa xỉ”, khi tập trung đông người là điều cấm kỵ trong mùa dịch. Vì thế, các hoạt động sự kiện, hội thảo cũng được biến đổi theo hình thức phù hợp hơn, đó là hội thảo, tọa đàm trực tuyến, qua các ứng dụng hội họp (zoom…). Và quan trọng hơn cả, khẩu trang trở thành vật bất ly thân của tất cả chúng ta kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát.

Thu Giang

Sức ép khi theo đuổi kiến nghị qua đường dây nóng

Bị đe dọa, đối tượng tìm cách ngụy tạo chứng cứ, các bên liên quan “bặt vô âm tín” để “chìm xuồng” sự việc… là những câu chuyện thường nhật đối với phóng viên khi theo đuổi những vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng Báo Đấu thầu.

Hàng ngày, đường dây nóng Báo Đấu thầu tiếp nhận không ít phản ánh, kiến nghị của nhà thầu về quá trình thực hiện các công trình, dự án, đặc biệt là trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Phải nói rằng, cũng có trường hợp nhà thầu kiến nghị vì chưa nắm vững quy định của pháp luật, chưa hiểu về bản chất vấn đề nên vội vàng kiến nghị, song đa phần nội dung phản ánh của các nhà thầu đều có cơ sở.

Niềm vui của phóng viên trong gần chục năm theo đuổi các vụ việc đấu thầu được phản ánh qua đường dây nóng chính là kết quả và tính lan tỏa của những bài viết sau khi được đăng tải, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, sự việc được làm sáng tỏ, quyền lợi chính đáng của nhà thầu được bảo vệ như: Gói thầu được tổ chức đấu thầu lại; hồ sơ mời thầu được chỉnh sửa, loại bỏ các tiêu chí hạn chế nhà thầu; kết quả trúng thầu bị hủy, nhà thầu dự kiến trúng thầu bị dừng ký hợp đồng…

Có lẽ chính sự lan tỏa mạnh mẽ của các bài viết liên quan đến đường dây nóng đã tạo thêm áp lực cho phóng viên khi theo đuổi các vụ việc. Sau khi nội dung vụ việc được đăng tải trên Báo, các đối tượng bị ảnh hưởng lợi ích thường tìm cách ngụy tạo chứng cứ, phản ứng lại nội dung bài báo đã đăng và “lái” bản chất sự việc sang một hướng khác. Phóng viên không ít lần rơi vào tình cảnh “dở khóc dở mếu” khi nhà thầu kiến nghị “phủ nhận sạch trơn” những nội dung phản ánh trước đó; các nhân chứng, bên liên quan đến vụ việc có thể vì một sức ép hoặc lợi ích nào đó đã không hợp tác với phóng viên trong việc làm rõ chân tướng sự việc…

Tuy nhiên, những vụ việc đường dây nóng đã giúp phóng viên Báo Đấu thầu trui rèn bản lĩnh nghề nghiệp, sự cẩn trọng trong xử lý kiến nghị về đấu thầu, hiểu được giá trị và trách nhiệm của người cầm bút khi dám đấu tranh, đương đầu với cái sai, cái lệch lạc còn tồn tại trong công tác đấu thầu, bảo vệ những mục tiêu cốt lõi mà công tác đấu thầu hướng tới là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Khánh Ngọc

Chuyên đề