Cấp thiết xây dựng khung khổ pháp lý cho fintech

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Các công ty công nghệ tài chính (fintech) đã xuất hiện từ 4 năm trước. Đến nay, hàng trăm công ty đang hoạt động trong khung khổ pháp lý chưa đầy đủ, gây rủi ro cho các chủ thể trên thị trường, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending) thường đăng ký ngành nghề là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính. Ảnh: Tường Lâm
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending) thường đăng ký ngành nghề là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính. Ảnh: Tường Lâm

Những rủi ro về chính sách và pháp lý đối với các chủ thể tham gia hoạt động fintech được nêu rõ tại Báo cáo Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Theo đó, chưa có quy định đối với hoạt động của nhiều loại hình fintech, đặc biệt là hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending). Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các công ty fintech đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016. Đến nay, có khoảng 100 công ty P2P lending và khoảng 200 công ty fintech, chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài.

Đáng chú ý, do chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P lending thường đăng ký ngành nghề là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính và khi làm việc với đối tác hoặc người tiêu dùng thì tự nhận là công ty P2P lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Có hiện tượng một số công ty P2P lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để tìm kiếm người vay và thực hiện cho vay.

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình kinh doanh này để thực hiện hành vi phạm tội, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân…

Phần lớn các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam hiện nay được cung cấp dịch vụ nền tảng từ các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc của hệ thống tài chính - ngân hàng vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, các tổ chức fintech đang dần phụ thuộc vào các công ty cung ứng dịch vụ điện toán đám mây để thực hiện các hoạt động tài chính liên quan đến công nghệ này thay cho việc phải đầu tư hạ tầng cần thiết. Việc này có thể dẫn đến rủi ro hệ thống khi cả thị trường hoặc nhiều tổ chức lớn trên thị trường phụ thuộc vào một số ít các công ty cung ứng dịch vụ.

Theo đề xuất của NHNN, Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Như vậy, về mặt thể chế quản lý loại hình hoạt động kinh doanh fintech ở Việt Nam đang ở giai đoạn chuẩn bị tổ chức thử nghiệm để có cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, luật pháp điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia loại hình này.

Từ phân tích đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị NHNN chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế thử nghiệm hoạt động tại Việt Nam tiến tới xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.

Đồng tình với báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, bên cạnh việc thiếu khung khổ pháp lý, hiện Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, dữ liệu về doanh nghiệp còn phân tán, thiếu cập nhật, thiếu nhất quán và đồng bộ là những hạn chế đáng ngại.

Đáng chú ý, về vấn đề an toàn bảo mật, rủi ro an ninh mạng ở mức cao, tinh vi, khó kiểm soát hơn, đặc biệt là các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tấn công của tin tặc đe dọa tính lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính…

Do đó, ông Lực đề xuất, cần cấp thiết hoàn thiện hành lang pháp lý với hoạt động này. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…). Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường fintech…

Chuyên đề