Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Chủ đầu tư muốn gia hạn đến 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khởi công từ tháng 10/2014 với kế hoạch hoàn thành vào năm 2017, nhưng Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang gặp vô vàn khó khăn, từ vốn đến mặt bằng, rắc rối pháp lý khi xảy ra tranh chấp, đền bù hợp đồng với hàng loạt nhà thầu do chậm triển khai.
Nhiều gói thầu thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công hơn 2 năm qua. Ảnh: Song Lê
Nhiều gói thầu thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công hơn 2 năm qua. Ảnh: Song Lê

Chủ đầu tư Dự án - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tổng chiều dài Dự án là 57,8 km với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 13.654,6 tỷ đồng, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 11.975,7 tỷ đồng và vốn đối ứng 5.689,7 tỷ đồng. Dự án được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lần 1 đến ngày 30/6/2019 và gia hạn lần 2 đến ngày 31/12/2023.

Trong quá trình thực hiện, Dự án gặp vướng mắc về vốn đầu tư (hiệp định vay ADB lần 1 cho đoạn phía Tây đóng ngày 30/6/2019, không được gia hạn do phát sinh vướng mắc về thẩm quyền “cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư” đối với Dự án; vốn ODA cho đoạn JICA và vốn đối ứng không được giao từ tháng 1/2019), dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019.

Về hiệp định vay, trong Dự án hiện chỉ còn hiệp định vay ADB lần 2 (286 triệu USD) cho các gói thầu đoạn phía Đông có hiệu lực đến ngày 31/12/2023 và hiệp định vay JICA lần 2 (31,328 tỷ JPY) cho các gói thầu đoạn JICA có hiệu lực đến ngày 17/7/2024. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, kéo dài tại các tỉnh phía Nam năm 2020 - 2021 đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kế hoạch thực hiện của các nhà thầu thi công. Đến nay, một số nhà thầu đã đề nghị chấm dứt hợp đồng, khởi kiện VEC, yêu cầu đền bù chi phí phát sinh do thời gian dừng chờ hợp đồng kéo dài. “VEC đang nỗ lực tái khởi động thi công công trường, tuy nhiên khả năng hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2023 theo kế hoạch là rất khó khăn”, đơn vị này cho biết.

Được biết, toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 79,65% (10.945 tỷ đồng/13.741 tỷ đồng tổng giá trị các hợp đồng, không bao gồm dự phòng, thuế).

Cụ thể, đối với các gói thầu đoạn phía Tây (5 gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), sử dụng vốn vay ADB (Hiệp định vay ADB lần 01 số 2730-VIE), giá trị hoàn thành đạt khoảng 81,66%; ngoài gói thầu A2-1 và A3 cơ bản hoàn thành, các gói thầu còn lại vẫn còn nhiều khối lượng (A1 đạt 81,24%, A2-2 đạt 68,47% và A4 đạt 78,1%). Nhu cầu vốn còn lại để hoàn thành đoạn tuyến phía Tây là khoảng 1.386 tỷ đồng. Giá trị này không bao gồm các chi phí một số nhà thầu đang khiếu nại do thời gian dừng chờ thi công kéo dài và chi phí phát sinh trong trường hợp có gói thầu phải chấm dứt hợp đồng thi công, tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu mới.

Đối với các gói thầu đoạn giữa (3 gói thầu J1, J2 và J3), sử dụng vốn vay JICA, giá trị hoàn thành đạt khoảng 84,6%, trong đó: gói thầu J2 đã hoàn thành, gói thầu J1 và J3 đã hoàn thành phần cầu dẫn, cầu Bình Khánh (gói J1) và Phước Khánh (gói J3) đã hoàn thành trụ tháp, khối K0. Khối lượng đã thi công gói J1 đạt 77,63% và gói J3 đạt 80,7%.

Khối lượng còn lại chưa thi công của các gói thầu J1 và J3 là khoảng 1.200 tỷ đồng. Giá trị này không bao gồm các chi phí một số nhà thầu đang khiếu nại do thời gian dừng chờ thi công kéo dài và một số chi phí phát sinh trong trường hợp có gói thầu phải chấm dứt hợp đồng thi công, tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu mới.

Đối với các gói thầu đoạn phía Đông (3 gói thầu A5, A6 và A7), sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB lần 2, đến nay giá trị hoàn thành đạt khoảng 57,36%. Trong đó, khối lượng đã thi công của Gói thầu A5 đạt 96,4%, và Gói thầu A7 đạt 62,3%. Gói thầu A6 đạt 33,93% , VEC và nhà thầu đã thống nhất chấm dứt hợp đồng, đang thực hiện các thủ tục theo điều kiện hợp đồng. VEC đang tiến hành các thủ tục cần thiết để tổ chức đấu thầu lại. Nhu cầu vốn còn lại của các gói thầu này là khoảng 2.790 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của VEC, đơn vị đã có thông báo đến các nhà thầu, tư vấn trong Dự án, khẳng định đã thu xếp đầy đủ vốn và đề nghị các nhà thầu khẩn trương tái khởi động thi công các gói thầu.

Đồng thời, do vướng mắc về nguồn vốn vay của JICA, vốn đối ứng và thủ tục phê duyệt chủ trương sử dụng vốn dư, thời gian phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu mới tại gói J1 và J3..., VEC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành Dự án đến ngày 30/9/2025.

Chuyên đề