Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: Chọn nhà thầu trước 20/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu xây lắp trước ngày 20/12/2022 và đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tại 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Hậu Giang vào cuối năm nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 12 gói thầu dự kiến khởi công vào cuối năm 2022 với tổng chiều dài 331 km trong tổng số 721,2 km (đạt 46%).

Dự kiến, Bộ sẽ chuyển hồ sơ Dự án để Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán trước ngày 20/11/2022. Với các gói thầu còn lại, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán khởi công vào quý I/2023.

Để đẩy nhanh tiến độ tiến độ GPMB, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì làm việc với các địa phương liên quan cùng Bộ GTVT đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án thành phần; đồng thời có văn bản yêu cầu các địa phương sâu sát, đôn đốc tiến độ GPMB. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa, kiểm kê tài sản trên đất; đã phê duyệt phương án bồi thường được 1.702 ha trong tổng số 6.006 ha (đạt 28%); giải ngân đạt được 2.219 tỷ đồng trong tổng số 7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 (đạt 31%).

Một số địa phương đã triển khai công tác GPMB và thực hiện giải ngân tốt như: Bạc Liêu 86 tỷ đồng (94%), Kiên Giang 151 tỷ đồng (79%), Bình Định 505 tỷ đồng (65%), Hậu Giang 715 tỷ đồng (63%), Hà Tĩnh 457 tỷ đồng (36%).

Tuy nhiên, một số địa phương triển khai còn chậm như: Quảng Trị 8,5 tỷ đồng (3%), Quảng Ngãi 46 tỷ đồng (5%), Khánh Hòa 2,5 tỷ đồng (0,3%). Riêng tỉnh Phú Yên chưa phê duyệt phương án bồi thường do chưa ban hành giá đất và giá bồi thường cây trồng.

Về mỏ vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải phục vụ Dự án, Bộ GTVT đã làm việc, thống nhất với các địa phương về vị trí, diện tích, trữ lượng bảo đảm đủ nhu cầu cho các dự án tại khu vực Trung Bộ. Tuy nhiên, các địa phương còn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới (thực hiện bồi thường, GPMB, thu hồi đất hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất). Đối với dự án thành phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chưa có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn cát đắp cho các dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải và sẽ làm việc với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nguồn vật liệu cát vào cuối tháng 11/2022. Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường nhưng tiến độ triển khai phải đến cuối năm 2023 mới có kết quả nghiên cứu.

Để thuận lợi cho công tác bố trí mặt bằng khởi công, bảo đảm an ninh trật tự, Bộ GTVT vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần tập trung tại 3 địa điểm thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Hậu Giang (đại diện cho 3 vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Bộ GTVT đã kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương về kế hoạch khởi công.

Theo đánh giá, công tác GPMB đã được các địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, tại một số địa phương còn chậm, cần phải nỗ lực, tập trung, đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với tỉnh Phú Yên và một số địa phương có tỷ lệ phê duyệt phương án bồi thường, giải ngân còn thấp.

Chuyên đề