Cánh cửa mới cho doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Quốc hội vừa thông qua “Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có QSDĐ” đang được các tập đoàn và doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) phấn khởi và chờ đợi.
Trong thời gian này, các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần chuẩn bị chu đáo hồ sơ năng lực và hồ sơ pháp lý của khu đất mà mình đang có. Ảnh: Gia An
Trong thời gian này, các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần chuẩn bị chu đáo hồ sơ năng lực và hồ sơ pháp lý của khu đất mà mình đang có. Ảnh: Gia An

Theo đó, 4 trường hợp thí điểm của nghị quyết này gồm: dự án của tổ chức kinh doanh BĐS nhận QSDĐ; dự án của tổ chức kinh doanh BĐS đang có QSDĐ; dự án của tổ chức kinh doanh BĐS đang có QSDĐ và nhận QSDĐ; dự án của tổ chức kinh doanh BĐS được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở sản xuất, kinh doanh phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Đặc biệt, việc lựa chọn dự án thí điểm phải đáp ứng các tiêu chí: được thực hiện tại khu vực đô thị hoặc khu vực được quy hoạch phát triển đô thị; tổng diện tích đất ở trong các dự án thí điểm (bao gồm đất ở hiện hữu và đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở) không vượt quá 30% của phần diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã được phê duyệt; không thuộc các dự án quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Đất đai.

Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của nghị quyết này, khu đất thực hiện dự án thí điểm phải không thuộc danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất được HĐND cấp tỉnh thông qua theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Luật Đất đai.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm. Do đó, các tập đoàn, DN BĐS và nhà đầu tư còn phải chờ đến thời điểm trên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành “Nghị quyết thí điểm” của Quốc hội; tiếp đó, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể danh mục “dự án thí điểm” đối với các khu đất được thoả thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ để thực hiện dự án nhà ở thương mại tại địa phương, khi đó mới chính thức “nhập cuộc” được.

Tuy nhiên, để không bỏ lỡ cơ hội, trong thời gian này, theo ông Lê Hoàng Châu, các tập đoàn, DN BĐS cần chuẩn bị chu đáo hồ sơ năng lực và hồ sơ pháp lý của khu đất mà mình đang có QSDĐ hợp pháp hoặc hồ sơ về địa điểm khu đất mà DN dự kiến đề xuất được thoả thuận về nhận QSDĐ. Các khu đất này phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương thì mới được xem xét thực hiện dự án nhà ở thương mại để có thể hội đủ điều kiện đăng ký xin tham gia “dự án thí điểm” theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành các văn bản dưới luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Các Tổ công tác của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp với các địa phương, bước đầu tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn về thể chế pháp luật của hàng trăm dự án BĐS, nhà ở thương mại trong cả nước. Nhờ đó, thị trường BĐS đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của năm 2023 để phục hồi trở lại.

Hiện nay, do vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án và các DN, chủ đầu tư dự án BĐS, nhà ở nên tại TP.HCM có 148 dự án BĐS, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc bị dừng triển khai thực hiện. Trong khi đó, năm 2024, thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục mất cân đối cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung nhà ở khiến giá nhà bị đẩy lên cao, đặc biệt là lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội. Ngoài lỗi do cơ chế, chính sách, HoREA nhận định, còn có một phần trách nhiệm của DN BĐS, họ không “vô can” trong quá trình chấp hành và tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật đất đai và những biến động của thị trường BĐS trước đây và hiện tại.

Chuyên đề