Khu vực tư nhân đã có đủ lực để cung cấp dịch vụ công thay cho khu vực nhà nước. Ảnh: Nhã Chi |
Cổ phần hóa là cần thiết
Theo nhóm nghiên cứu của GS. TS. Yoon Jiwoong thuộc Trường Đại học Kyunghee Hàn Quốc, cổ phần hóa dịch vụ công tại Việt Nam là cần thiết vì nhiều lý do. Một là, trong một thời gian dài, Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp cung cấp nhiều loại dịch vụ công khác nhau, bao gồm dịch vụ hành chính công (như cấp giấy phép, công chứng, giấy đăng ký…) và các dịch vụ công phi lợi nhuận (như y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thư viện, bảo tàng…) hoặc các dịch vụ công ích (như điện, cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường và thu gom rác). Để thực hiện các chức năng này, Chính phủ phải duy trì một hệ thống từ Trung ương đến địa phương với việc sử dụng nguồn lực lớn về nhân sự và chi phí ngân sách.
Hai là, hiệu quả cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam còn thấp. Nạn quan liêu và tham nhũng là các tác nhân làm giảm hiệu quả cung cấp dịch vụ công. Các thủ tục cung cấp dịch vụ công phức tạp. Với nguồn lực hạn chế, Chính phủ không có đủ khả năng để đầu tư cho nhân lực, công nghệ và quản lý tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Ba là, trong thời kỳ quá độ, khu vực tư nhân của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh trong 20 năm gần đây. Với tốc độ phát triển lớn mạnh trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, khu vực tư nhân hiện đã có đủ nguồn lực, năng lực và công nghệ để cung cấp dịch vụ công thay cho khu vực nhà nước.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Riêng với chủ trương cổ phần hóa các cơ sở chăm sóc y tế và giáo dục, Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng vì hai dịch vụ này phục vụ trực tiếp lợi ích thiết yếu của người dân. Nhóm nghiên cứu của GS. TS. Yoon Jiwoong khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên xem xét từng trường hợp cụ thể chuyển đổi cơ sở y tế, giáo dục với điều kiện cam kết tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao hơn.
Cụ thể, cần có tiêu chí rõ ràng, cụ thể để cổ phần hóa dịch vụ công dựa trên tính thị trường và tính căn bản, thiết yếu của dịch vụ. Cần tính đến mức độ chuyên môn hóa. Đặc biệt, các dịch vụ công liên quan đến công nghệ có thể ký hợp đồng cho khu vực tư nhân cung cấp hoặc có thêm sự tham gia của khu vực tư nhân.
Việc cổ phần hóa các cơ sở y tế cần được xem xét đồng thời với hệ thống bảo hiểm y tế và tính chất của dịch vụ (tính cơ bản, thiết yếu). Mấu chốt quan trọng khi cổ phần hóa dịch vụ chăm sóc y tế là cần đánh giá được chi phí liên quan đến hệ thống bảo hiểm y tế, trong khi cần bảo đảm tính thiết yếu của dịch vụ. Hệ thống bảo hiểm y tế kiểm soát chất lượng dịch vụ và giá cả của các bệnh viện công và tư thông qua công cụ “lợi ích” và “chi phí”. Do đó, theo quan điểm của những người không ủng hộ việc cổ phần hóa, nếu hệ thống bảo hiểm y tế vẫn không thay đổi, giá phí dịch vụ y tế sẽ không tăng mặc dù đã thực hiện cổ phần hóa.
TS. Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bày tỏ quan điểm, cần phải có sự thận trọng khi cổ phần hóa dịch vụ công. Đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện rất lớn với 5.800 đơn vị từ Trung ương đến địa phương thuộc nhiều lĩnh vực. Và bước đầu cũng đã có sự phân loại, cũng như có nguyên tắc để đảm bảo cổ phần hóa. Thời gian qua, Việt Nam cũng tiến hành thí điểm cổ phần hóa Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp và Bệnh viện Giao thông vận tải… Đây là sự tiếp thu thành công tri thức, kinh nghiệm quốc tế trong việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa, ủy thác, bán cổ phần… trong lĩnh vực dịch vụ công theo ông Hiệu cần được đánh giá một cách khách quan, trong đó có việc đánh giá hiệu quả của hoạt động cổ phần hóa trong quá khứ. Do đó, Việt Nam có sự thận trọng nhất định trong việc cổ phần hóa, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và cần cân nhắc, lựa chọn khi tiến hành cổ phần hóa cho từng lĩnh vực…