Cần thay đổi giải pháp chống dịch “3 tại chỗ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong những ngày qua, một số nhà máy xuất hiện liên tiếp các ca F0 với tốc độ lây lan nhanh chóng. Việc xử lý các ca F0 và F1 trong các nhà máy này đang bị rối, lúng túng, năng lực của lực lượng y tế tại chỗ gần như bằng không, hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng thay đổi giải pháp chống dịch, không nên cứng nhắc áp dụng chung một mô hình “3 tại chỗ” cho tất cả các doanh nghiệp.
Cần thay đổi giải pháp chống dịch “3 tại chỗ”

Không nên áp dụng cứng nhắc một mô hình

Mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy cũng hạn chế, không sẵn sàng cho việc chứa đựng hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng trăm, hàng nghìn con người.

Tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mô hình này đã được vận hành tương đối hiệu quả, bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ.

Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ” cũng không ít, vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, cấp quận, huyện, thị xã và ngay cả ban quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, nhưng lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan, nên doanh nghiệp càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao. Hoặc như tỉnh Tiền Giang, ngay khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, thì chính quyền Tỉnh lại vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.

Cần có một quy trình phối hợp công - tư

Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và các hiệp hội đề xuất, chỉ nên áp dụng mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động, mặc dù các nhà máy “3 tại chỗ” tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành, thì vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao.

Đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, theo các hiệp hội doanh nghiệp, cần có một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh quá khủng hoảng như tình trạng một số nhà máy trở thành “chùm F0” như tại phía Nam trong mấy ngày qua.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách VN (LEFASO), đối với các địa phương bắt đầu kiểm soát được dịch thì nên cho doanh nghiệp mở từ từ cơ chế “3 tại chỗ” để tái sản xuất. Chẳng hạn như doanh nghiệp nào có tới 20% lao động được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì được “2 tại chỗ”...; hoặc cho phép doanh nghiệp tự test nhanh, tự xây dựng phương án đảm bảo an toàn riêng trình cơ quan chức năng xem xét phê duyệt thay vì áp dụng cứng nhắc một mô hình.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM kiến nghị áp dụng công thức 7K+3T (7K là Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh và 3T là Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc). Công thức này không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được chủ động, sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid -19.

"Chiến dịch Selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm đã được Mỹ và các quốc gia châu Âu áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay, đồng thời cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong các đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm...”, Ban IV nhận định.

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/lĩnh vực ưu tiên bố trí nguồn vắc xin, bên cạnh việc ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, để chính quyền các tỉnh, thành và doanh nghiệp tại các địa phương tính toán chủ động hơn kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề